Định hướng phương án khởi động lại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ
Ngày 26/9, tại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (quận Hải An, TP Hải Phòng), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đánh giá công nghệ, sản phẩm và định hướng phương án khởi động lại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ”.
Tham dự hội thảo có các Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, Nguyễn Sinh Khang; Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam Nguyễn Anh Đức; Trưởng ban Chế biến Dầu khí Lê Xuân Huyên; Trưởng ban Khoa học Công nghệ PVN Nguyễn Hoàng Yến; Chủ tịch HĐQT PVTex Phạm Văn Chất và Tổng giám đốc PVTex Võ Phụng Hoàng.
Về phía khách mời có ông Phạm Thái Hà, Phó Văn phòng đại diện Illies - đại diện tại Việt Nam của Neumarg và Bamarg; ông Vivekanand Gundavarupa, đại diện Tập đoàn Thyssenkrupp - Công ty mẹ của Uhde; Trưởng ban Đầu tư Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu; Phó Viện trưởng Viện Dệt may Việt Nam Nguyễn Sỹ Phương; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm; Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam Nguyễn Sơn và lãnh đạo các công ty sợi dệt như Tam Liên, Vĩnh Phúc, Nam Định, Nam Việt…
Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng phát biểu kết luận hội thảo.
Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các dự án yếu kém, đặc biệt dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước, Bộ Công Thương, hội thảo được PVN tổ chức nhằm thông tin đến khách hàng và đối tác về xu hướng công nghệ, khả năng sản xuất sản phẩm của nhà máy và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường xơ sợi tổng hợp của Việt Nam.
Mở đầu hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương, Phó Viện trưởng Viện Dệt may Việt Nam, đã giới thiệu về xu hướng sản xuất và sử dụng xơ sợi dệt trên thế giới và Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương đã chỉ rõ nhu cầu về xơ sợi tổng hợp của các doanh nghiệp Việt Nam đang rất lớn, khoảng 500 nghìn tấn/năm. Nhiều lĩnh vực đang sử dụng xơ sợi polyester như trong may mặc sản xuất quần áo, chăn ga gối đệm, vải bọc bàn ghế, rèm cửa; sử dụng trong công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, vải lau, túi khí ô tô, sợi mành, thảm, băng tải, vải địa kỹ thuật; sử dụng trong y tế như bông băng, quần áo mổ sử dụng một lần, bỉm, tã lót… Đặc biệt, việc sử dụng xơ, sợi polyester trên thế giới và Việt Nam đều có xu hướng và sử dụng ngày càng nhiều.
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương giới thiệu về xu hướng sản xuất và sử dụng xơ sợi trong ngành dệt.
Hai đại diện của Tập đoàn Thyssenkrupp và Illies đã giới thiệu về bản quyền công nghệ sản xuất xơ sợi polyester và thiết bị của Uhde, Neumarg và Barmarg. Cả ông Vivekanand Gundavarupa và ông Phạm Thái Hà đều khẳng định chất lượng thiết bị, công nghệ cung cấp cho nhà máy xơ sợi Đình Vũ đều là những thiết bị thuộc thế hệ tiên tiến nhất của Đức và các nước châu Âu, đảm bảo khả năng tiết kiệm năng lượng cũng như môi trường. Đồng thời cam kết với các thiết bị này Nhà máy xơ sợi Đình Vũ có thể sản xuất ra những sản phẩm đạt mọi yêu cầu chất lượng của khách hàng.
Ông Vivekanand Gundavarupa, đại diện Tập đoàn Thyssenkrup khẳng định bản quyền công nghệ và thiết bị tháp trùng ngưng của PVTex có chất lượng hàng đầu thế giới.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm nhấn mạnh: Việc cần thiết là tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ cần giữ thuế suất thuế nhập khẩu 2% với mặt hàng xơ sợi nhập khẩu. Đồng thời, để Nhà máy xơ sợi Đình Vũ hoạt động tốt, ổn định, PVN cần chú trọng hơn nữa vấn đề nhân lực, đặc biệt là việc chuyển giao, làm chủ công nghệ sản xuất xơ sợi tiên tiến. Chỉ có như vậy mới đảm bảo cho việc vận hành nhà máy được ổn định, lâu dài và hiệu quả.
Cùng ý kiến với Hiệp hội Dệt may, Trưởng ban Đầu tư Vinatex Cao Hữu Hiếu khẳng định PVTex đã có sản phẩm và được tiêu thụ tốt. Chỉ tính riêng Vinatex thì có 8 đơn vị đang tiêu thụ khoảng 3.000 tấn xơ/tháng của PVTex và đều phản hồi đánh giá khá tốt như Phú Bài đã xuất sản phẩm sang châu Âu (loại sợi bao chất lượng nhuộm). Vinatex tin rằng, trong thời gian tới khi sản phẩm xơ sợi của PVTex đạt chất lượng thì các đơn vị chắc chắn sẽ sử dụng sản phẩm của PVTex.
Trưởng ban Đầu tư Vinatex Cao Hữu Hiếu phát biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên HĐQT Công ty CP Vinatex Nam Định bổ sung thêm, trước đây doanh nghiệp chỉ sử dụng 2 loại xơ nhập khẩu của Thái Lan và Đài Loan. Khi xơ sợi PVTex được sản xuất, đơn vị đã cùng phối hợp sử dụng thử, tiến tới sản xuất sợi đạt chất lượng cao xuất khẩu ra thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông Hùng lưu ý, PVTex phải đặc biệt chú ý ổn định chất lượng theo yêu cầu của khách hàng để từ đó khách hàng có thể xác định sản xuất sợi có chất lượng vào các thị trường trọng điểm. Công ty CP Vinatex Nam Định cũng rất mong muốn PVTex sản xuất trở lại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm được các chi phí như việc phải trả tiền trước cả tháng mới nhận được xơ từ nước ngoài, chi phí vận chuyển, lưu kho…
Thay mặt các đơn vị sản xuất sợi khu vực miền Nam, Giám đốc Công ty Tam Liên Nguyễn Huy Hoàng cũng nhấn mạnh rằng, các đơn vị đều rất mong chờ PVTex trở lại. Giám đốc Huy Hoàng chia sẻ: Các anh đã chạm một tay tới đích, chỉ cần hoàn thiện nốt phần nhuộm là hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất. Tôi tin rằng, khi PVTex trở lại sẽ xuất phát từ một độ cao nhất định so với trước đây và sản phẩm của PVTex luôn được đánh giá cao ở khu vực phía Nam.
Kết luận hội thảo, Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã gửi lời tri ân đến Vinatex, Viện Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cùng các doanh nghiệp bạn hàng đã ủng hộ và dành niềm tin vào sản phẩm xơ sợi tổng hợp của Nhà máy xơ sợi Đình Vũ. Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng thay mặt lãnh đạo Tập đoàn cam kết luôn giữ uy tín, bảo đảm chất lượng ổn định, giữ vững các chế độ hỗ trợ dịch vụ bán hàng, sau bán hàng, triển khai hệ thống kinh doanh, đại lý để giúp khách hàng sử dụng sản phẩm xơ sợi có một nguồn hàng ổn định, chất lượng nâng cao, khả năng cạnh tranh, thu nhiều lợi ích hơn cho khách hàng cũng chính là nâng cao hiệu quả và lợi ích cho PVTex.
Trong giai đoạn vận hành thương mại năm 2014-2015, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ đã thực hiện thành công một số cải tiến, cải tạo về hệ thống dẫn sợi, ổn định hệ thống cấp hơi, hệ thống điện, thu hồi dầu tráng sợi… để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí. Kết quả là nâng công suất và chất lượng nhà máy lên 96-97% loại A, giảm tiêu hao vật tư hóa chất (15%), điện (10-20%) và LPG (10%).
Công Kiên