Diễn đàn “Văn hóa với Doanh nghiệp” năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chiều sâu văn hóa giúp doanh nghiệp không đơn thuần chạy theo lợi nhuận
Diễn đàn quốc gia “Văn hóa với Doanh nghiệp” năm 2022 với chủ đề Chấn hưng Văn hóa - Nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững đã diễn ra sáng 3.12 tại Hà Nội. Dự diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao chứng nhận cho 24 doanh nghiệp đạt chuẩn 2022
Cùng tham dự có Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy; lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành; các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp tiêu biểu trong triển khai Bộ tiêu chí văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”.
Mỗi doanh nghiệp cần trở thành đại sứ lan tỏa “sức mạnh mềm” văn hóa
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Diễn đàn năm nay được tổ chức với chủ đề “Chấn hưng văn hóa - nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững” nhằm phát huy nhân tố văn hóa trong phát triển kinh tế, tạo ra những bước phát triển mới, bền vững.
Bộ trưởng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp được xem như “trái tim của nền kinh tế”, đóng góp hết sức quan trọng vào những kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân càng cần được đề cao và coi trọng. Trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng, yếu tố con người chính là “trái tim, khối óc” của doanh nghiệp, văn hóa là nhân tố nền tảng.
Nhận thức một cách sâu sắc các quan điểm đường lối của Đảng, theo Bộ trưởng, hơn lúc nào hết, chúng ta càng thấy trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Có thể nói, chính chiều sâu văn hóa giúp các doanh nghiệp không đơn thuần chạy theo lợi nhuận, làm giàu bằng mọi giá, mà còn biết tuân thủ đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thượng tôn pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ môi trường...
Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã chủ động, phối hợp với Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép ban hành, triển khai rộng rãi Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam với 5 nhóm tiêu chí, 40 chỉ số đánh giá đo lường, đây là công cụ hữu hiệu để bình xét các doanh nghiệp đạt chuẩn. “Cần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, qua đó góp phần kiến tạo chính sách, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cần phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, xây dựng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn vươn tầm khu vực và thế giới. Mỗi doanh nghiệp cần trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan tỏa “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam…”, Bộ trưởng chia sẻ.
Lãnh đạo Bộ tin tưởng, sau Diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có nhận thức toàn diện hơn về vai trò của chấn hưng văn hóa với phát triển kinh tế bền vững, văn hóa trong kinh tế, kinh tế trong văn hóa. Chúng ta mong muốn làm tất cả những gì có thể nhất để đồng hành với doanh nghiệp, để doanh nghiệp thực sự là trái tim của nền kinh tế đất nước, là lực lượng tiên phong xây dựng và phát triển Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường và thịnh vượng như tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Cần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, qua đó góp phần kiến tạo chính sách, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cần phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, xây dựng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn vươn tầm khu vực và thế giới. Mỗi doanh nghiệp cần trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan tỏa “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam…
(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG)
Khát vọng làm giàu nhưng không được chà đạp lên mọi giá trị
Tại Diễn đàn, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam khẳng định, văn hóa kinh doanh được coi là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu. Không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa kinh doanh vững chắc. “Không bao giờ hai công ty lại có cùng một bản sắc và giá trị văn hóa. Để cạnh tranh, đối thủ có thể sao chép nhiều thứ, từ chiến lược, sản phẩm, quy trình cho đến bí quyết công nghệ…, song không thể sao chép được những giá trị văn hóa, tinh thần”, bà Hà Thu Thanh nhấn mạnh.
Diễn đàn ghi nhận những ý kiến thực tiễn và giá trị của các diễn giả, doanh nghiệp đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Với góc nhìn “Chấn hưng văn hóa và khát vọng vươn tầm thế giới của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khẳng định: “Doanh nhân Việt Nam cần có tư duy toàn cầu và mạnh dạn phát triển kinh doanh ra nước ngoài. Để có sự thành công vượt trội, chúng ta cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đặc sắc và khác biệt…”.
Phiên Tọa đàm với chủ đề: “Vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh Việt Nam” cũng đã mang đến nhiều góc nhìn, quan điểm và bài học kinh nghiệm thiết thực. Chia sẻ “bí quyết” của doanh nghiệp không giảm sút doanh thu trong bối cảnh đại dịch và suy thoái kinh tế, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ cho biết: “Trải qua những bước đi từ những ngày đầu còn khó khăn, cho đến những giai đoạn sau này và đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chúng tôi càng nhận thấy những giá trị của văn hóa doanh nghiệp luôn tạo nên sức mạnh…”.
TGĐ CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Văn Tiến Thanh cũng nêu, lãnh đạo Công ty không chỉ quan tâm đến mũi nhọn phát triển kinh tế mà đặc biệt xem văn hóa doanh nghiệp là nền tảng phát triển bền vững. Từ năm 2016, doanh nghiệp này đã triển khai bài bản xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong đó chú trọng phát triển văn hóa bản sắc của doanh nghiệp. Trong đó, “Khát vọng, Trí tuệ, Chuyên nghiệp, Nghĩa tình” là những giá trị cốt lõi.
Tại Diễn đàn, các diễn giả, doanh nghiệp nêu những kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó, đại diện các doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước có chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chú trọng, làm tốt hơn nữa việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2022
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2022 cho 24 doanh nghiệp, gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; CTCP Thực phẩm sữa TH; Ngân hàng Quân đội; Tổng Công ty May 10; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Chi nhánh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông; CTCP Đầu tư TNG Holdings Việt Nam; Công ty TNHH Minh Long I; CTCP MISA; Công ty TNHH Du lịch SACO; NHTMCP Tiên Phong; CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn; Khách sạn Bến Thành (Rex Hotel Saigon); CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau; TCTCP Vận tải Dầu khí; CTCP Tập đoàn Mai Linh; Chi nhánh TCT Khí Việt Nam - Công ty Khí Cà Mau; TCT Du lịch Sài Gòn TNHH Một thành viên; TCT Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP; CTCP Tập đoàn DKNEC; CTCP Nam Dược; Khách sạn Hoàn Cầu (Hotel Continental Saigon); CTCP Gama Việt Nam; CTTNHH Thương mại và nhập khẩu Hòa Bình Group. P.V