Để ngành Dầu khí phát huy vai trò hạt nhân trong Chiến lược kinh tế biển
Rất nhiều kỳ vọng đã được các đại biểu Quốc hội, nhà quản lý đặt ra đối với ngành Dầu khí tại buổi tọa đàm với chủ đề “Ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về chiến lược biển”. Tuy nhiên, để ngành Dầu khí phát huy vai trò hạt nhân trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển thì điều kiện kiên quyết là phải hoàn thiện khung khổ pháp lý. Báo Năng lượng Mới lược ghi ý kiến của các đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi: Ngành Dầu khí tạo nền tảng phát triển kinh tế vùng
Đóng góp của ngành Dầu khí vào nền kinh tế rất rõ ràng. Không chỉ đóng góp rất lớn vào ngân sách Nhà nước, tăng trưởng nhanh và bền vững, ngành Dầu khí còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Và quan trọng nhất là ngành Dầu khí đã góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Ngành Dầu khí là ngành kinh tế rất quan trọng đối với kinh tế đất nước. Qua nhiều khóa làm đại biểu Quốc hội, tôi thấy khi nào bức bách nhất của ngân sách Nhà nước, bức bách nhất của tăng trưởng thì chúng ta phải dùng dầu khí để quyết định tăng trưởng, năng suất lao động và ngân sách Nhà nước. Có những lúc chỉ sau 1 tháng chúng ta báo cáo trước Quốc hội là không hoàn thành thu ngân sách và không bảo đảm được tốc độ tăng trưởng, nhưng sau 1 tháng, chúng ta quyết định những chính sách về ngành Dầu khí thì chúng ta hoàn thành được những nhiệm vụ đó.
Đặc biệt, ngành Dầu khí đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước. Trước hết là bảo đảm được việc làm cho người lao động. Khi ngành Dầu khí ra đời, một loạt các chỉ tiêu giải quyết việc làm được giải quyết. Đặc biệt, việc làm của ngành Dầu khí hơn các lĩnh vực khác là có tính ổn định, bền vững và thu nhập cao. Đi đôi với việc giải quyết việc làm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vì đây là ngành đòi hỏi trình độ kỹ thuật rất cao.
Thứ nữa và cũng đặc biệt quan trọng là vấn đề kinh tế vùng. Khi làm quy hoạch vùng Tĩnh Gia (Thanh Hóa) thì không chỉ vùng Bắc Thanh Hóa mà Nam Nghệ An cũng có sự thay đổi rõ rệt. Chính ngành Dầu khí và Khu công nghiệp Nghi Sơn đã đặt nền móng cho phát triển kinh tế vùng. Đó là vấn đề khởi đầu, làm thay đổi đời sống, kinh tế, xã hội nhưng quan trọng là chúng ta liên kết được các vùng với nhau.
Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành: Cấp bách phải sửa đổi Luật Dầu kh
Qua tiếp xúc, tôi thấy nổi lên mấy vấn đề về khung hành lang pháp lý.Trong quá trình công tác, tôi có nhiều dịp tiếp xúc với anh em làm việc trong ngành Dầu khí. Đặc biệt là thời gian gần đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn có buổi tiếp xúc cử tri với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Chúng tôi cũng có một buổi trực tiếp đi thăm giàn khoan Hải Thạch - Mộc Tinh, điểm xa nhất của ngành Dầu khí. Trong chuyến đi đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Lạng Sơn đã có một buổi tiếp xúc cử tri đầu tiên trên giàn khoan dầu khí ngoài biển.
Thứ nhất là về Luật Dầu khí. Chúng tôi thấy bối cảnh khung pháp lý đặt ra cho ngành Dầu khí hiện nay khác trước rất nhiều. Đầu tiên là trữ lượng khai thác đã khác. Hiện nay, ngay cả những dự án hóa dầu mới cũng đang phải nhập nguyên liệu nước ngoài vào. Cho nên những hành lang pháp lý cho dầu khí phải thay đổi.
Về phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0, khi chúng tôi ra giàn Hải Thạch - Mộc Tinh mới cảm nhận được sự thành công, những đóng góp và nỗ lực của ngành Dầu khí rất lớn. Hầu như toàn bộ công việc đều tự động hóa và đội ngũ cán bộ chất lượng rất cao. Đây chính là điều kiện rất là quan trọng để ngành Dầu khí tiếp tục phát triển và mở rộng các hoạt động dịch vụ dầu khí, chứ không đơn thuần là khai thác dầu khí.
Thứ nữa, trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương về biển đảo, tôi cho rằng có nhiều vấn đề tác động và cần phải được cụ thể hóa trong Luật Dầu khí sửa đổi sắp tới. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất của ngành Dầu khí về hệ thống pháp luật liên quan. Chúng tôi sẽ tiếp thu và có ý kiến đề xuất trong thời gian tới.
Về một số vấn đề chính sách, phải nói rằng ngành Dầu khí có tính đặc thù. Trên bờ và trên biển rất khác nhau, từ đó công việc của đội ngũ khoa học kỹ thuật cũng rất khác. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta áp dụng chế độ chung. Anh em “tâm tư” rất nhiều, liên quan đến chế độ lương bổng, phụ cấp. Ngày trước có thêm chế độ công tác biển, anh em ra giàn làm việc 1 tháng trời thì có chế độ công tác phí để tăng thêm phụ cấp, nhưng hiện nay đã bị cắt giảm đi rất nhiều. Thực hiện theo một nguyên tắc chung như vậy tôi thấy không phù hợp. Rồi chế độ nghỉ phép, chế độ phúc lợi khác, đặc biệt là chế độ nghỉ hưu… Tôi cho rằng với sự đặc thù đó, chúng ta phải có chính sách khác. Anh em phải ra giàn khoan cả tháng trời, trong bối cảnh độc lập như thế, trong môi trường biển mênh mông như thế, nhiều khi còn khắc nghiệt hơn cả biên phòng, biên phòng dù sao nhiều khi vẫn có nhân dân, có đất liền. Nó cũng giống như các chiến sĩ Trường Sa, phải có chế độ khác.
Tôi nghĩ rằng, riêng với ngành Dầu khí, chúng ta cần phải có chế độ khác, cần có ưu tiên vì đặc thù tính chất công việc và vì là lĩnh vực có tính chất mũi nhọn trong hội nhập. Hệ thống chính sách pháp luật phải đồng bộ.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc: Cần một luật đầy đủ về thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn
Hoàn thiện khung pháp lý cho ngành Dầu khí là vấn đề rất quan trọng. Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới, đồng thời là nhà điều hành của diễn đàn này, từng nói: Vấn đề bây giờ không còn phải là công nghệ nữa khi nói về cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 mà là vấn đề thể chế và khung khổ pháp lý cho phát triển. Đối với ngành Dầu khí bây giờ cũng vậy. Tôi ra các giàn khoan mới thấy đất nước công nghiệp hóa thế nào, mới thấy công nghệ trên các giàn khoan hiện đại thế nào, mới thấy đúng là bây giờ không chỉ là công nghệ mà là cần có khung khổ pháp lý.
Luật Dầu khí được sửa đổi, bổ sung lần cuối vào năm 2008. Như vậy là đã qua 10 năm rồi. Sau 10 năm, đến nay, ngành Dầu khí đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ, cả bối cảnh quốc tế cũng có nhiều thay đổi…
Tôi có nhận xét thế này, ngành Dầu khí Việt Nam hiện đã phát triển khá hoàn chỉnh, toàn diện và thực hiện đầu tư kinh doanh theo chuỗi giá trị, bao gồm thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn. Trong khi đó, Luật Dầu khí năm 1993 tuy được bổ sung, sửa đổi 2 lần nhưng chỉ quy định ở khâu thượng nguồn, tức là chỉ giới hạn hoạt động dầu khí ở hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, còn các khâu khác là hầu như không đề cập trong luật.
Ở các nước, như Malaysia, có các đạo luật phát triển dầu khí quy định cả thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn, đồng thời có luật cung ứng khí riêng. Tại Nga, ngoài Luật Dầu khí cũng có Luật Cung ứng khí. Khí phát triển thành ngành riêng và được điều chỉnh bởi một luật riêng của Quốc hội.
Trong bối cảnh mới hiện nay ở trong nước và quốc tế, tái cơ cấu, đặc biệt là vấn đề tiềm năng, trữ lượng dầu khí, điều kiện khai thác… sẽ tác động đến khung khổ pháp lý. Tôi cho rằng, cần sớm xúc tiến đánh giá việc thực hiện luật và ban hành một luật đầy đủ về thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn của ngành Dầu khí.
Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng Bùi Thanh Tùng: Nếu có chiến lược tốt, đầu tư bài bản…
Hải Phòng không phải địa phương có các cơ sở thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí... nên tác động trực tiếp của ngành Dầu khí chưa rõ. Tuy nhiên, tác động gián tiếp thì rất đáng kể. Với vai trò là đầu mối giao thông, cửa ngõ chính ra biển của các tỉnh phía bắc, đóng góp của ngành Dầu khí đối với Hải Phòng là không nhỏ.
Hải Phòng có trên 22 nghìn doanh nghiệp, trong đó có hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thì có những cơ sở, nhà máy sản xuất lớn trong lĩnh vực điện lực, hóa chất, phân bón... mà bản thân các doanh nghiệp này sử dụng nguyên liệu đầu vào là các sản phẩm hóa dầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất của Hải Phòng đều tiêu thụ lượng xăng dầu và các loại sản phẩm từ công nghiệp hóa dầu rất lớn của ngành Dầu khí. Như vậy, ngành Dầu khí đã cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào cho công nghiệp ở Hải Phòng và chính các doanh nghiệp này, trong đó có những doanh nghiệp có thị trường trong nước và xuất khẩu rất lớn, có đóng góp hằng năm hàng nghìn tỉ đồng cho ngân sách của Hải Phòng.
Trong 80 nghìn tỉ đồng dự kiến thu trong năm 2018 của Hải Phòng thì có trên 55 nghìn tỉ đồng là từ các hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó có trên 24,5 nghìn tỉ đồng là thu từ nội địa. Đóng góp của các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu của ngành Dầu khí để sản xuất sản phẩm phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu rất lớn. Tôi cho rằng, đó chính là sự gắn kết của Hải Phòng với ngành Dầu khí, mặc dù Hải Phòng không phải cơ sở của ngành Dầu khí.
Thứ nữa, tôi nghĩ đó là vai trò đối tác. Hải Phòng là cửa ngõ chính vào - ra khu vực phía bắc từ biển. Những năm gần đây, quy mô nhập khẩu cũng như trung chuyển các mặt hàng xăng dầu, sản phẩm khí hóa lỏng, sản phẩm công nghiệp lọc hóa dầu từ các nước vào Việt Nam cũng như từ các tỉnh phía nam, từ các cơ sở sản xuất của ngành Dầu khí ở khu vực miền Trung ra khu vực phía bắc là rất lớn. Tôi cho rằng, bản thân hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này của ngành Dầu khí một mặt mang lại lợi nhuận cho ngành Dầu khí, lợi nhuận cho các doanh nghiệp, nhưng cũng mang lại số thu ngân sách đáng kể cho Hải Phòng.
Một vấn đề nữa, đó là tiềm năng. Theo chúng tôi được biết, tiềm năng và trữ lượng dầu khí ở khu vực Bắc bộ rất lớn, trong đó có những khu vực có phát hiện dầu khí chỉ cách Hải Phòng 70km. Hy vọng trong tương lai, khi có điều kiện, chúng ta sẽ tổ chức thăm dò, khai thác dầu, khí đốt ở Vịnh Bắc bộ và chắc chắn khi đó, Hải Phòng sẽ trở thành một trong những căn cứ của Dầu khí Việt Nam. Khi đó, Hải Phòng sẽ trở thành đối tác và cùng ngành Dầu khí có đóng góp vào thu ngân sách.
Tôi xin nhấn mạnh, dù bây giờ hay trong tương lai, Hải Phòng vẫn coi ngành Dầu khí có vị trí quan trọng, đóng góp lớn cho kinh tế Hải Phòng. Và chúng tôi hy vọng, nếu chúng ta có một chiến lược tốt và có một sự đầu tư thật sự bài bản cho ngành Dầu khí thì sẽ giúp ngành Dầu khí vượt qua khó khăn, đóng góp tích cực hơn cho kinh tế vĩ mô cũng như cho các địa phương, trong đó có Hải Phòng.
PGS Đỗ Chí Nghĩa - Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân
“Tháng 6/1986, tấn dầu thô đầu tiên được khai thác đã ghi danh Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới. Từ đó đến nay, dầu khí và ngành công nghiệp dầu khí trở thành một ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, thúc đẩy sự phát triển của một số ngành công nghiệp mũi nhọn khác; đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng trong tăng trưởng GDP hằng năm.
Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành Dầu khí còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong Chiến lược biển của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển Việt Nam. Ngành Dầu khí cũng được đánh giá là đi đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, khoa học công nghệ được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, sản xuất, kinh doanh của ngành Dầu khí”.
Ông Mai Sỹ Diến, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Những quy định trong luật, nghị định đã ban hành không còn phù hợp nữa thì phải điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Dầu khí đối với Chiến lược biển. Chẳng hạn, vấn đề thu hút đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí
Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác xếp thứ ba trong thứ tự ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển.
Nghị quyết nêu rõ: Nâng cao năng lực của ngành Dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác; từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược. Nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hòa giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.
|
Trước đây, Luật Dầu khí đã đặt ra, nhưng trong bối cảnh mới, đặt trong bối cảnh an ninh biển, thì Luật Dầu khí phải điều chỉnh, thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển của chiến lược biển.
Thanh Ngọc