Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2011
30/3, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2011 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội.
Đánh giá chung tại phiên họp được biết: Trong quý I/2011, các cấp, các ngành đi đôi với việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đã đạt được những kết quả bước đầu trong quản lý tiền tệ, tín dụng, lãi suất, quản lý ngoại tệ và vàng.
Tổ chức triển khai thực hiện tốt các giải pháp thắt chặt chi tiêu ngân sách, giảm đầu tư công; đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ sản xuất, khuyến khích xuất khẩu, bảo đảm an sinh xã hội.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao và cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra; kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ và gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nhập siêu có chiều hướng giảm; dịch vụ tăng mạnh; các hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, lượng khách du lịch quốc tế và tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Điểm đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2011 tăng 2,17% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra là do giá hàng hóa trên thị trường thế giới, đặc biệt là giá xăng dầu, lương thực thực phẩm tăng mạnh cùng với nguy cơ lạm phát diễn ra ở nhiều nền kinh tế trên thế giới đã gây áp lực tăng giá thị trường hàng hóa trong nước.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu như: xăng, điện, gas, than bán cho điện,… và điều chỉnh tăng tỉ giá USD/VND, tăng lãi suất đã làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng.
Theo nhận định chung, việc tăng giá ở nhiều hàng hóa thiết yếu cũng đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng, gây phản ứng tăng giá dây chuyền lên nhiều mặt hàng khác…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm năm nay không để sản xuất kinh doanh thấp hơn năm 2010. Do vậy, các ngành, địa phương cần ưu tiên tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thủ tướng cũng yêu cầu các ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường chống đầu cơ, lũng loạn giá cả. Thủ tướng cũng nhấn mạnh công tác truyền thông cần đưa kịp thời, chính xác về tình hình diễn biến của nền kinh tế, tránh xảy ra lạm phát tâm lý trong nhân dân. (Theo Công An Nhân Dân 31/3)