Châu Âu với bài toán phát triển năng lượng gió và mặt trời
Bất chấp tình hình khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, năm qua thế giới đã đầu tư 155 tỷ USD cho các công ty sản xuất năng lượng sạch và tái sinh, chủ yếu là năng lượng gió và mặt trời. Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho biết, khoản đầu tư toàn cầu cho nhiên liệu tái sinh lần đầu vượt qua khoản đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch.
Liên hiệp châu Âu (EU) đặt mục tiêu sản xuất một phần năm tổng sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái sinh vào năm 2020, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu, đồng thời giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Giám đốc điều hành UNEP A. Steiner cho biết, cơ quan này đang kêu gọi các nước thực hiện một Thỏa thuận Xanh toàn cầu mới, theo đó sẽ sử dụng những gói kích thích kinh tế để đầu tư vào các kỹ thuật phát triển năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng tự nhiên, như rừng và đất.
Các nguồn năng lượng tái sinh như gió, nắng mặt trời, địa nhiệt sẽ phát triển nhanh do kỹ thuật sản xuất các loại năng lượng này đã phát triển khá tốt, giúp giảm mạnh giá thành. Theo số liệu của EU, khoảng 1,6 tỷ người trên thế giới hiện vẫn chưa thể thường xuyên sử dụng điện lưới. Vì vậy, Ủy ban châu Âu (EC) vừa quyết định đầu tư 22 triệu euro cho các dự án năng lượng sạch sản xuất điện từ sức gió, thủy điện, tái tạo khí mê-tan và năng lượng sinh học ở châu Á và khu vực phía nam sa mạc Sahara.
Tại châu Á, phần lớn nguồn vốn trên sẽ được dành cho Ấn Ðộ, nước đông dân và có tốc độ phát triển kinh tế nhanh.
Các nhà sản xuất năng lượng từ sức gió của châu Âu đang kêu gọi đầu tư hàng tỷ ơ-rô vào lĩnh vực sản xuất điện từ những tuốc-bin gió đặt trên biển. Hiệp hội Năng lượng gió châu Âu (EWEA) cho rằng, năng lượng từ sức gió sẽ đóng một vai trò chủ chốt, có thể sản xuất 16%, thậm chí là một phần ba tổng sản lượng điện của châu Âu vào năm 2020. EWEA ước tính việc phát triển các "trang trại gió" này sẽ cần đến khoản đầu tư 57 tỷ euro.
Với ngân sách này, ngành sản xuất điện gió có thể sử dụng các tuốc-bin lớn hơn và mạnh hơn được lắp đặt trên biển để sản xuất một lượng điện nhiều hơn khoảng một phần ba so với các trạm đặt trên đất liền. Theo EWEA, ngành điện gió châu Âu cũng cần một khoản đầu tư khác khoảng 20-30 tỷ euro để xây dựng hệ thống truyền tải điện để đưa điện vào đất liền và kết nối các trạm chuyển tiếp giữa các quốc gia châu Âu.
Mặc dù việc sản xuất điện gió ngoài khơi rất đắt đỏ và chỉ có thể cạnh tranh với các nhiên liệu hóa thạch khi giá dầu mỏ tăng cao, tuy nhiên, điện gió có chi phí ổn định, không giống như các thị trường khí đốt và than đá luôn biến động.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Bỉ chủ trương sớm đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, nên việc phát triển điện gió trên biển được coi là giải pháp tối ưu vừa phát huy được thế mạnh tự nhiên vừa bảo vệ môi trường.
Dự án này cũng giúp các nhà hoạch định chính sách có thể đạt được những mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo Nghị định thư Kyoto. Tập đoàn năng lượng C-Power (Bỉ) đã bước vào giai đoạn cuối cùng để đưa sáu trạm tua-bin sản xuất điện bằng sức gió trên vùng biển phía nam vào hoạt động, với tổng chi phí lên tới 153 triệu euro.
Ðây là giai đoạn đầu của một dự án lớn, bao gồm xây dựng và khai thác 60 trạm tua-bin sức gió trên mặt biển với tổng công suất 300 MW. Hiện Chính phủ Bỉ đã quy hoạch bảy khu vực trên biển dành để triển khai các dự án khai thác điện gió, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch.
Nhiều quốc gia châu Âu, như Ðức, đã trợ giá cho các nguồn năng lượng tái sinh để điện gió được hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Ðức là một trong các nước dẫn đầu châu Âu về phát triển nguồn năng lượng sạch, nhằm cắt giảm mạnh lượng khí thải CO2 thực hiện chiến lược bảo vệ khí hậu toàn cầu.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc sử dụng năng lượng sạch từ sức gió và mặt trời không chỉ nhằm mục đích cung cấp điện lâu dài cho châu Âu, mà còn giúp các khu vực đang phát triển giải quyết nhiều vấn đề khác như thiếu lương thực, nước sinh hoạt...
Ðặc biệt, đó còn là lời giải cho bài toán tồn tại của khoảng mười tỷ người trên Trái đất vào năm 2050, khi các nguồn tài nguyên năng lượng khác đang bị khai thác cạn kiệt. Các dự án phát triển năng lượng sạch còn có tác dụng rất lớn đối với cuộc đấu tranh nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và chống biến đổi khí hậu toàn cầu. (Nhân Dân 27/11)