Canada phản đối Trung Quốc thâu tóm dầu khí
Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) sắp sửa thôn tính Tập đoàn dầu khí Canada Nexen với giá 15,1 tỉ USD. Thế nhưng, CNOOC lại đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận Canada.
Theo báo Wall Street Journal, ngày 21-9 Tòa án tỉnh Alberta (nơi Nexen đặt trụ sở) đã bật đèn xanh cho phép CNOOC mua lại Nexen. Một ngày trước đó, các cổ đông của Nexen cũng bỏ phiếu ủng hộ vụ mua bán này. CNOOC đề nghị trả 27,5 USD/cổ phiếu của Nexen, đưa tổng giá trị hợp đồng lên đến 15,1 tỉ USD. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ mua lại doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc từ trước đến nay.
CNOOC hi vọng sẽ thâu tóm Nexen trong quý 4-2012. Tuy nhiên, hợp đồng này lại cần được chính phủ Canada, Mỹ và Anh cùng thông qua (do Nexen có khai thác dầu khí tại Mỹ và Anh). Canada cũng đã bắt đầu mở cuộc điều tra để đánh giá xem liệu thương vụ này có mang lại lợi ích gì cho đất nước mình không.
Không thể bán tài nguyên chiến lược!
Trong khi các cổ đông Nexen hào hứng thì đại đa số người dân Canada lại phản đối việc CNOOC mua lại Nexen. Ngày 20-9, kênh truyền hình The Sun News và Hãng nghiên cứu Abacus Data đã công bố kết quả khảo sát dư luận Canada về thương vụ CNOOC - Nexen. Kết quả cho thấy trong tổng số hơn 1.200 người được thăm dò có tới 70% phản đối việc bán Nexen cho Trung Quốc, so với khoảng 8% ủng hộ. Lý do phản đối, theo họ, là “Nexen hoạt động trong một ngành công nghiệp chiến lược, chủ chốt của Canada. Một công ty nước ngoài không được phép kiểm soát một nguồn lực quốc gia quan trọng như vậy”.
Lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ mới (NDP) Thomas Mulcair tuyên bố kết quả khảo sát này cho thấy người dân Canada đang lo ngại, bởi “không chỉ vì hợp đồng bán tài sản chiến lược của Canada cho một công ty nước ngoài, mà còn vì công ty này do một chính phủ một nước sở hữu hoàn toàn. Mà nước này không tuân thủ các quy định thị trường như Canada”. Theo ông, câu hỏi đặt ra là liệu thương vụ này sẽ đem lại lợi ích gì cho đất nước Canada khi mà bản chất của nó là bán tài nguyên thiên nhiên của đất nước cho một công ty do một chính phủ nước ngoài kiểm soát.
Báo The Province cũng đưa tin trong báo cáo trình lên quốc hội ngày 20-9, Cơ quan Tình báo an ninh Canada cảnh báo “một số công ty do chính phủ nước ngoài sở hữu có ý đồ mờ ám hoặc nhận được sự hỗ trợ tình báo ngầm trong quá trình đầu tư vào Canada”. Do đó, khi một công ty nước ngoài có quan hệ với cơ quan tình báo nước đó muốn kiểm soát những ngành chiến lược của nền kinh tế Canada, thì đó là mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Các tổ chức nước ngoài này có thể sẽ lạm dụng sự kiểm soát đó để ăn cắp công nghệ hoặc thực hiện các hoạt động phản gián.
Trước dư luận phản đối, Bộ Công nghiệp Canada mới đây đã cam kết sẽ kiểm tra kỹ lưỡng mọi khía cạnh của thương vụ CNOOC - Nexen để đảm bảo lợi ích của đất nước.
Ý đồ độc chiếm biển Đông
Theo Bloomberg, nếu mua được Nexen thì CNOOC sẽ nắm quyền khai thác hàng loạt mỏ dầu và khí đốt ở tây Canada, biển Bắc, vịnh Mexico và vùng ngoài khơi Nigeria. CNOOC khẳng định với việc thâu tóm được Nexen, CNOOC sẽ tăng sản lượng khai thác dầu và khí đốt lên 20% khi đặt mục tiêu tăng sản lượng dầu và khí đốt lên 6-10% mỗi năm từ năm 2011-2015.
Tuy nhiên, một số chuyên gia dầu khí nhận định trên báo Wall Street Journal ý đồ sâu xa của CNOOC khi mua Nexen là để mở rộng khai thác dầu ở các vùng nước sâu trên biển Đông. CNOOC hiện mới chỉ có khả năng hoạt động ở các vùng nước nông do chưa có kinh nghiệm khai thác dầu ở các vùng nước sâu. Do vậy, tham vọng biển Đông của CNOOC đang bị cản trở do chi phí khoan dầu tại các vùng nước sâu có thể lên tới 100 triệu USD/mỏ. Nếu mua được Nexen, CNOOC sẽ sở hữu các dự án khai thác dầu nước sâu của công ty Canada ở vịnh Mexico. Nhờ đó, CNOOC có thể áp dụng kinh nghiệm này ở biển Đông.
Cần nhắc lại chính CNOOC hồi tháng 6 và tháng 8 vừa qua đã lên tiếng mời thầu hàng loạt lô dầu khí nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam trên biển Đông. Lời mời thầu phi pháp và vô lối này đã bị nhiều chuyên gia quốc tế lên án và đến nay bị các công ty dầu khí quốc tế phớt lờ.
Theo Tân Hoa xã, hồi tháng 5, chủ tịch CNOOC Vương Nghi Lâm từng khẳng định các giàn khoan vùng biển nước sâu là “biên giới di động và là một trong những vũ khí chiến lược của Trung Quốc trong cuộc chiến năng lượng dầu khí”. Rõ ràng thương vụ mua Nexen là một nước cờ trong chiến lược của CNOOC nhằm độc chiếm dầu khí trên biển Đông. (Tuổi Trẻ 22/9, tr19, tác giả Sơn Hà)