Cần xử lý nghiêm xăng bẩn
Tình trạng xăng bẩn (xăng pha nước và các tạp chất khác) đã gây bức xúc dư luận trong nhiều tháng qua và hậu quả để lại thật khôn lường, không chỉ chết máy, hư hỏng phương tiện mà còn có thể gây nên những tai nạn vô cùng nguy hiểm và ảnh hưởng xấu đến cộng đồng xã hội. Vì vậy, việc quản lý chất lượng xăng dầu một lần nữa lại được đặt ra với yêu cầu cấp bách hơn.
Trên thực tế, khi những vụ việc xăng bẩn xảy ra, hầu hết các đơn vị đầu mối đều khẳng định: “Chất lượng xăng dầu khi xuất ra khỏi kho hoàn toàn đảm bảo” và họ chỉ chịu trách nhiệm khi xăng xuất lên các xe bồn. Còn lại trong quá trình vận chuyển cho đến khi xăng đến tay người tiêu dùng, người bán lẻ thì họ không kiểm soát được. Và như vậy việc quản lý chất lượng xăng dầu lại một lần nữa được đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai?
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có 13 doanh nghiệp đầu mối cung cấp và gần 13.000 đại lý xăng dầu. Trong số đó, gần 3.000 cửa hàng trực thuộc các doanh nghiệp đầu mối, hơn 10.000 đại lý còn lại (chiếm đến 75%) là mạng lưới của các doanh nghiệp tư nhân. Theo quy định pháp luật, đại lý thuộc hệ thống của đầu mối nào, đầu mối đó phải có trách nhiệm giám sát. Thế nhưng các doanh nghiệp đầu mối cho rằng họ không có cơ chế cũng như quyền hạn. Phó Tổng giám đốc một doanh nghiệp đầu mối cho biết: “Chúng tôi là doanh nghiệp, các đại lý cũng là doanh nghiệp. Chúng tôi lấy tư cách gì để kiểm tra họ? Thêm nữa, quan hệ giữa hai bên là quan hệ hợp đồng kinh tế. Họ có vi phạm, hình thức xử lý cao nhất mà đầu mối có thể làm là cắt hợp đồng nhưng đại lý không lo, bởi họ sẵn sàng ký với một đầu mối khác”.
Tại cuộc họp với Bộ Công thương về việc quản lý chất lượng xăng dầu hồi trung tuần tháng 2-2012, đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối cũng cho rằng, cách quản lý việc phân phối của các đại lý, tổng đại lý hiện nay có nhiều kẽ hở và để quản lý được không dễ do các hệ thống đại lý chưa vận hành đúng Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Nghị định này quy định mỗi đại lý, tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng với một thương nhân đầu mối, song thực tế, các đơn vị này vẫn tìm cách “lách luật” ký với nhiều nơi và do đó không thể kiểm soát được chất lượng, vì khó phân định xăng dầu của đầu mối nào kém chất lượng để xử lý. Khi nào thực trạng này còn tiếp diễn thì việc quản lý chất lượng xăng dầu còn khó khăn.
Cũng theo các doanh nghiệp đầu mối, trách nhiệm của các doanh nghiệp này cũng không được quy định rõ. Hiện nay, việc yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối đảm bảo chất lượng xăng dầu là đúng nhưng doanh nghiệp đầu mối kiểm soát như thế nào và trách nhiệm đến đâu lại không rõ. Theo Nghị định 84, doanh nghiệp đầu mối chỉ được kiểm tra tổng đại lý, đại lý về thủ tục, nếu phát hiện sai phạm có thể chấm dứt hợp đồng chứ không có quyền xử phạt. Do đó, đại lý vi phạm khi bị phát hiện lại có thể ký hợp đồng với doanh nghiệp khác. Chính điều này khiến cho việc gian lận số lượng hoặc chất lượng xăng dầu vẫn cứ tiếp diễn.
Bài toán khó nhất đối với các nhà sản xuất và phân phối xăng dầu là gia tăng các điều khoản ràng buộc về chất lượng xăng dầu bán ra của đại lý. Chất lượng xăng dầu bán ra đã bị thả nổi trong suốt một thời gian dài. Bằng chứng là trong mọi hợp đồng đại lý đều không có bất cứ chế tài xử phạt nào nếu có vi phạm xảy ra. Mức xử phạt hành chính từ trước tới nay đều rất thấp so với lợi nhuận thu được từ hành vi gian lận. Vì vậy để khắc phục, loại bỏ tình trạng này thì việc gia tăng hình phạt, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vận chuyển kinh doanh xăng dầu là hết sức cần thiết. (Sài Gòn Giải Phóng 1/10, tr3, tác giả Thu Tuyết)