Công ty Khí Cà Mau xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo gương Bác
Thiết thực học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Công ty Khí Cà Mau (KCM) đã triển khai chương trình vận dụng sáng tạo, chuyển thể những tinh thần, giá trị đạo đức của Bác thành những nội dung cụ thể, phù hợp văn hóa doanh nghiệp mình. Những kinh nghiệm thực tế được hình thành, hỗ trợ KCM trở thành một trong những đơn vị điển hình trong phong trào thi đua của PV GAS.
Học tập từng bước, cán bộ gương mẫu
Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về việc “tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, KCM đã học theo tấm gương của Bác bằng những việc làm thiết thực.
Trước tiên, lãnh đạo của Công ty đã xây dựng kế hoạch hàng năm, chuyển thể những tinh thần, giá trị đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành những nội dung cụ thể phù hợp với văn hóa doanh nghiệp KCM với 4 giá trị cốt lõi: “chuyên nghiệp, trách nhiệm, sáng tạo, kết nối”. Đặc biệt, một số nội dung đã được đưa vào các quy trình của hệ thống quản lý của Công ty để việc học tập và làm theo Bác được lâu dài và bền vững, chứ không chỉ là đánh trống bỏ dùi.
Nếu nói số phận của một con người được quyết định bởi tính cách của người đó thì sự thành bại của một doanh nghiệp được quyết định bởi văn hóa của doanh nghiệp đó. Chỉ có môi trường văn hóa tập thể mới gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp một cách lâu dài, bền bỉ theo thời gian và có khả năng lan tỏa mạnh mẽ tới mọi cá nhân trong đó. Vì vậy, KCM rất coi trọng việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Trong đó, để cuộc học tập và làm theo Bác thật sự có hiệu quả, các cán bộ chủ chốt, đảng viên trong chi bộ luôn gương mẫu đi đầu, là tấm gương sống động, gần gũi để thu hút mọi người làm theo.
Thực tế tại KCM cho thấy, để một tập thể thay đổi được sức ỳ, tạo một thói quen tốt cho CBCNV, nếu muốn nhân viên cố gắng một phần thì cán bộ quản lý cấp trung phải cố gắng ba phần, lãnh đạo phải có quyết tâm, nỗ lực bền bỉ mười phần, vì ngoài sự gương mẫu, người lãnh đạo còn phải định hướng, rèn giũa từng hành vi của CBCNV bằng nhiều cách thức khác nhau và kiên trì theo đuổi việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Một ví dụ điển hình là năm 2010 khi KCM rèn thói quen đúng giờ, trong các buổi họp hay buổi đào tạo, nếu nhân viên đi muộn 1 phút thì người đó nộp vào quỹ từ thiện 20.000 đồng, từ phó phòng trở lên nộp 50.000 đồng. Năm đầu tiên, quỹ từ thiện thu được gần 20 triệu đồng. Những năm tiếp theo chỉ còn khoảng 2 - 3 triệu. Khi ban hành tiêu chuẩn Anh văn cho từng chức danh, lãnh đạo cũng phải quy định cho mình tiêu chuẩn và phải đáp ứng một cách gương mẫu, cùng học và cùng thi như nhân viên. Kết quả là nếu trong năm 2011, Công ty chỉ có 20 CBCNV có điểm TOEIC trên 500, và chỉ có 3 người có điểm trên 700; thì đến năm 2013, Công ty đã có 32 CBCNV và năm 2014 đã có 40 CBCNV có điểm TOEIC trên 500, trong số đó 15 người có điểm trên 700.
Với phong cách dân chủ, quần chúng và quan điểm dân vi bản của Bác, KCM đã tạo môi trường làm việc và sinh hoạt thật sự thân thiện, gần gũi, thoải mái, trong đó mọi người hiểu nhau và coi nhau như là anh em của mình, coi tập thể công ty là gia đình mình, cấp trên luôn quan tâm, chăm lo đến nhân viên từ những việc tưởng chừng rất nhỏ như tổ chức mừng sinh nhật cho CBCNV, thăm hỏi nhân viên khi ốm đau, bệnh tật, vận động và tạo điều kiện cho nhân viên tham gia thể thao để rèn luyện sức khỏe...
Công ty cũng tạo ra môi trường làm việc thực sự dân chủ để CBCNV dám nói, dám đưa ra ý kiến và cảm thấy tiếng nói của mình có trọng lượng. Theo tinh thần này, từ 2013, mỗi năm Công ty đều tổ chức để toàn thể CBCNV bỏ phiếu kín đánh giá tất cả cán bộ chủ chốt, thông báo công khai kết quả, bỏ phiếu đánh giá bếp ăn tập thể... Ba tháng một lần, giám đốc họp riêng với từng bộ phận để hỏi tâm tư, nguyện vọng, giải đáp thắc mắc của CBCNV. Bất cứ thời điểm nào CBCNV cần gặp trực tiếp đều có thể vào phòng lãnh đạo mà không cần xin hẹn, tất cả các email cá nhân đều được lãnh đạo trả lời trực tiếp trong ngày. Công tác thi đua khen thưởng được thực hiện công bằng, khách quan.
Không ngừng học tập theo tấm gương của Bác
Anh Trần Nhật Huy, Giám đốc KCM cho chúng tôi biết: Tập thể CBCNV KCM xác định không tham vọng ôm đồm học cùng lúc tất cả, mà tập trung vào những giá trị đạo đức của Bác có tính chất căn bản theo lời Bác dạy: “Bất kỳ việc gì, chúng ta phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc”.
Từ quá trình học tập bền bỉ và đi sát thực tế đó, trong những năm qua, tập thể KCM luôn là một tập thể rất gắn kết, tình cảm chan hòa như một đại gia đình, quan điểm về đạo đức cách mạng “Nhân – Nghĩa – Trí – Dũng – Liêm” của Bác đã được chuyển thể vào trong văn hóa doanh nghiệp, rèn rũa trong công việc hàng ngày. Về chữ “Nhân” của Bác tương ứng trong văn hóa doanh nghiệp tại KCM là “trách nhiệm”, trong đó đề cập cụ thể ngoài trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với gia đình thì còn trách nhiệm với đồng nghiệp, trách nhiệm với xã hội. Các hoạt động an sinh – xã hội luôn được KCM phát động và tham gia rất mạnh mẽ.
Về chữ “Nghĩa”, Công ty gắn với văn hóa: “thẳng thắn đóng góp ý kiến cho đồng nghiệp, cấp trên; trung thực nhận lỗi khi có khuyết điểm”. Bác cũng nói “Đã là con người, ai cũng có sai lầm. (…) Nơi nào sai lầm, ai sai lầm, thì lập tức sửa chữa. Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thói "trước mặt thì nể, kể lể sau lưng". Vì thế mà các buổi phê bình và tự phê bình trong Chi bộ hay bình xét thi đua khen thưởng, các buổi họp, hội thảo kỹ thuật, đào tạo luôn diễn ra trong không khí hết sức thẳng thắn, cởi mở, dân chủ.
Về chữ “Trí”, KCM đề cập đến nội dung: làm việc phải có mục tiêu, trước khi thực hiện thì cố gắng tìm ra nhiều ý tưởng sáng tạo, lựa chọn giải pháp tối ưu, khi thực hiện phải có kế hoạch, có rà soát thường xuyên, có đánh giá, rút kinh nghiệm.
Chữ “Dũng” như đã thành truyền thống từ lâu, tập thể KCM luôn sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, gian khổ, mạnh dạn đề xuất các ý kiến, ý tưởng thay đổi có lợi cho tập thể; khi được lãnh đạo giao việc thì dù khó tới đâu cũng quyết tâm làm bằng được với tinh thần trách nhiệm cao. Vì công việc chung, lợi ích của tập thể mà đội ngũ cán bộ quản lý chủ động làm việc, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, không ngại va chạm, mất lòng, dám nghĩ, dám làm, không sợ trách nhiệm...
CBCNV KCM còn học Bác ở những đức tính: “tính tự học tập, tự rèn luyện”. Tại KCM đã xây dựng hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về chuyên môn và ngoại ngữ để một năm đánh giá 2 lần, lấy kết quả sử dụng trong đánh giá cán bộ, thi đua khen thưởng, điều chỉnh lương,… Do đó, phong trào học tập tại Công ty rất sôi nổi với nhiều hình thức đa dạng, nhưng vẫn lấy chủ trương kèm cặp, người giỏi đào tạo người khá, người khá giúp người yếu và tự đào tạo làm then chốt, lấy tính thiết thực làm phương châm.
Tại Công ty có một ngày trong tuần gọi là ngày đào tạo (thứ 6). Đó là ngày học tập với các buổi đào tạo được diễn ra thường xuyên vào các buổi tối. Các CBCNV hăng say học tập một cách tự nguyện, không ép buộc. Ngay trong văn phòng của Công ty có xây dựng phòng đọc sách riêng với đầy đủ các loại sách từ khoa học kỹ thuật, quản lý... Chính vì thế mà trong những năm qua, tập thể KCM luôn là đơn vị có nhiều công trình sáng tạo, nhiều giải thưởng trong các hội thi tay nghề của Tập đoàn, của TW Đoàn TNCS HCM… Đội tuyển KCM cũng luôn giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc đua tài, thi đấu thể thao, văn nghệ, tìm hiểu kiến thức…
Nhờ không ngừng học tập và làm theo “tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thường xuyên tự rèn luyện trong môi trường thực tiễn, KCM đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, đạt và vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh, từ thiện xã hội… Không có bất cứ một trường hợp hay vụ việc nào gây mất đoàn kết nội bộ, hay đơn thư khiếu kiện dù ở cấp công ty hay vượt cấp tới Tổng công ty.
Không tự bằng lòng và thỏa mãn với thành công hiện tại, tập thể KCM luôn tự đặt ra cho mình những mục tiêu cao hơn để không ngừng học tập Bác và cố gắng làm theo Bác để sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ dù nặng nề hơn, vất vả hơn mà Tổng Công ty giao phó, phấn đấu trở thành một tập thể có bản sắc văn hóa riêng biệt “chuyên nghiệp – trách nhiệm – sáng tạo –kết nối”.