PV GAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Bóng đá Việt Nam trước mùa giải mới: Rắc rối hai chữ “độc quyền”

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam như một cỗ máy tiêu tiền khổng lồ. Dân trong giới tiếp thị vẫn kháo nhau, ở Việt Nam, ai muốn được tiếng mình là “đại gia”, cứ đổ tiền vào bóng đá! Chính vì thế, sân chơi ấy giờ chỉ toàn những doanh nghiệp lớn. Để quản lý chuyện tiền nong tại một giải như V-League không hề đơn giản… 
Rõ ràng, đây là con số thật ấn tượng. Trước khi có được PetroGas Việt Nam tài trợ trong 3 năm qua, V-League chỉ nhận tài trợ một mùa bóng chừng 8 tỷ đồng. Khi PetroGas nâng mức tài trợ lên con số từ 12 tỷ đồng đến 18 tỷ đồng ở 3 mùa giải vừa qua đã là thành công cho thương hiệu V-League. Nhưng đến khi Eximbank nhảy vào với mức 30 tỷ đồng thì đúng là… choáng. 
Đứng ở góc độ kinh doanh, đây là một thành công vượt bậc của những người làm công tác kiếm tiền tại Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Nó là lời bảo chứng vàng cho giá trị thương mại của V-League, một cú hích quan trọng để nâng cao các hoạt động tiếp thị cho giải đấu số 1 Việt Nam. Thế nhưng, việc nhân gấp đôi con số tài trợ so với đại gia PetroGas trước mắt có lợi nhưng lâu dài thì… chưa biết. 
Về nguyên tắc, mỗi năm, thương quyền của V-League sẽ tăng, điều đó có nghĩa là sau Eximbank, nhà tài trợ nào khác muốn thay thế sẽ phải có nhiều tiền hơn trong khi con số 30 tỷ đồng (tương tương 1,5 triệu USD) đã rất cao. 
Như chúng ta đã biết, ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank. Ông Dũng vừa làm một việc rất hữu ích cho V-League với lợi thế mà ông đang có. Tuy nhiên, có thể thấy là sau 3 năm nữa, khi Eximbank kết thúc hợp đồng và khi bản thân ông Lê Hùng Dũng có thể kết thúc nhiệm kỳ tại VFF, chưa rõ tình hình sẽ thế nào. 
Vấn đề ở đây là dựa trên những cơ sở nào để tăng gấp đôi tiền tài trợ cho V-League ngoài ưu thế của cá nhân ông Lê Hùng Dũng? Đã rất lâu rồi, hoạt động tiếp thị, thống kê, khảo khát những thông số thị trường và thương hiệu của V-League không được chú trọng. 
Ngay chính nhà tài trợ PetroGas các năm rồi hầu như chỉ chi tiền chứ không quan tâm đến quyền lợi được nhận, kể cả hoạt động quảng cáo ở các bảng hiệu trên sân bóng. Nếu thực sự việc nâng tiền tài trợ của Eximbank chỉ đến từ lợi thế cá nhân của ông Dũng, chắc chắn, những người làm tiếp thị tài trợ tại V-League sẽ mệt mỏi như vụ “đụng” nhà tài trợ tại Hoàng Anh Gia Lai vừa mới xảy ra. 
Eximbank nhận tài trợ V-League đương nhiên là thương hiệu độc quyền của ngành ngân hàng của V-League. Thế nhưng, hiện ở V-League, các ngân hàng SHB, Navibank, ACB đều đang quản lý một số đội bóng. Do là đơn vị đến sau nên Eximbank không có lý do gì được yêu cầu thay đổi tên gọi của các đội bóng đó. Tuy nhiên, đến khi Hoàng Anh Gia Lai chuẩn bị công bố nhà tài trợ VIP Bank, rắc rối liền xảy ra. 
Hoàng Anh Gia Lai chắc chắn biết nguyên tắc độc quyền của nhà tài trợ chính V-League nhưng vấn đề là việc VFF công bố Eximbank là nhà tài trợ chính chỉ xảy ra mới đây trong khi Hoàng Anh Gia Lai mời VIP Bank tài trợ đã lâu rồi. Giờ nếu vì “đụng” ngành hàng, hóa ra Hoàng Anh Gia Lai phải khởi động lại từ đầu công việc kiếm tiền trong khi mùa giải chỉ chưa đầy 1 tháng nữa là bắt đầu. 
Bình Dương cũng sẽ tái ký hợp đồng tài trợ với Maritime Bank, đối tác mùa rồi của họ. Bình Dương không thể không ký khi gói tài trợ từ ngân hàng này quá “đẹp” (1 triệu USD/mùa), lại là đối tác cũ của họ nhưng nếu ký, không biết có bị Eximbank và VFF làm khó hay không? (Sài Gòn Giải Phóng 25/12, tr5, Tác giả Việt Quang) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên