Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Xăng tăng cao, giảm chậm do phụ thuộc vào thị trường thế giới
Thừa nhận việc giá xăng dầu có lúc “tăng rất cao mà hạ thì khá chậm”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đó là do thị trường xăng, dầu trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường thế giới.
Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” phát sóng trên VTV1 vào tối 29/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải đáp những vấn đề về mặt hàng xăng dầu và giá sữa.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và thị trường xăng, dầu trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường thế giới, cho nên có những lúc tăng thì rất cao, mà hạ thì khá chậm.
Công khai số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng quý là hợp lý!
Đề cập tới việc minh bạch của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ tiếp tục công khai “sâu hơn nữa”. Hiện tại, Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai số dư của Quỹ hàng quỹ. Bộ trưởng nói: “Chúng tôi có thể công khai việc trích, việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với từng doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối trong một thời kỳ, ví dụ như hàng quý. Việc công khai Quỹ theo quy định của Bộ Tài chính là định kỳ hàng quý”.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: “Nếu chúng ta công khai theo định kỳ hàng tháng thì sẽ phát sinh rất nhiều chi phí, công sức và thủ tục hành chính vì công khai phải căn cứ theo báo cáo của doanh nghiệp, việc thẩm tra, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước, nên rất mất thời gian, thủ tục và nhân lực. Do vậy, việc công khai hàng quý, việc trích, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với từng thời điểm đối với doanh nghiệp đầu mối theo từng quý là hợp lý”.
Đề cập tới đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu cuối tháng 8 vừa qua, trước việc dư luận cho rằng: Thời điểm đó, doanh nghiệp xăng dầu tăng mạnh mức chiết khấu cho đại lý, tức là có lãi chứ không phải còn lỗ thì việc gì Bộ phải cho phép doanh nghiệp trích Quỹ Bình ổn giá 300 đồng/lít, Bộ trưởng Dũng lấy đợt tăng giá vào ngày 17/7 để giải thích: Vào ngày 17/7, khi giá thế giới có biến động bất thường rất lớn, nếu tính đủ các yếu tố thì giá bán lẻ xăng dầu lúc đó phải tăng 988 đồng/lít xăng.
Nhưng do yêu cầu phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, đảm bảo lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định giảm lợi nhuận định mức của doanh nghiệp đi 2/3, tức là giảm từ 300 đồng/lít xăng xuống còn 100 đồng/lít xăng trong cơ cấu giá bán của xăng dầu trong thời điểm đó; cùng với đó là xả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu 300 đồng/lít xăng. Do vậy, số chênh lệch còn lại là 468 đồng/lít xăng và Liên Bộ đã cho phép doanh nghiệp được tăng giá tối đa là 468 đồng/lít xăng, trên tổng số giá tăng đột biến là 988 đồng/lít xăng.
Đến giai đoạn cuối tháng 8/2013, giá xăng, dầu thế giới có xu hướng giảm. Tính bình quân 30 ngày thì chênh lệch giảm khoảng 500 đồng cho 1 lít xăng (nói số chẵn). Tuy nhiên, Liên Bộ Tài chính - Công Thương tính toán để đảm bảo cho lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời cũng phải tính đến lợi ích của doanh nghiệp nên đã quyết định trả lại cho đủ số lợi nhuận định mức mà trước đó ngày 17/7 đã giảm của doanh nghiệp là 200 đồng (tức là tăng thêm 200 đồng, cho đủ số 300 đồng lợi nhuận định mức theo quy định) và giảm giá bán lẻ xăng là 300 đồng/lít.
“Như vậy, có thể nhận thấy việc sử dụng lợi nhuận định mức nằm trong cơ cấu của giá cơ sở xăng dầu, đồng thời nó nằm trong cơ cấu của giá bán xăng dầu đã được Liên Bộ sử dụng như một cái van xả. Do đó, thời điểm đó vừa trích lợi nhuận định mức vừa xả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, về thực chất là hạch toán trên sổ và người tiêu dùng không bị ảnh hưởng gì”, Bộ trưởng khẳng định.
Ngoài ra, theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đó cũng là cách cân đối chung cho các lần điều chỉnh xăng dầu, chứ không riêng từng lần điều chỉnh một. Đây là cách làm để Quỹ Bình ổn giá có thể “giải quyết được việc tránh tăng đột biến trong nước khi giá xăng dầu thế giới tăng đột biến”.
“Loạn” giá sữa do… Bộ Y tế
Tuần qua, câu chuyện giá sữa lại một lần nữa “nóng” lên trên các mặt báo và các diễn đàn khi hai Bộ quản lý là Bộ Y tế và Bộ Tài chính đang có những quan điểm khác nhau về việc quản lý giá sữa. Còn trên thực tế, chỉ với một động tác là đổi tên thành sản phẩm dinh dưỡng, sữa đã thoát ra khỏi danh mục bình ổn giá và thoải mái tăng giá mà không chịu sự quản lý của Nhà nước.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng: Theo quy định của Luật Giá có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, thì sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc mặt hàng được bình ổn giá và nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá khi có biến động bất thường. Tuy nhiên, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Y tế ban hành, thời gian vừa qua, một số sản phẩm dinh dưỡng và thức ăn bổ sung cho trẻ em dưới 6 tuổi không đạt tiêu chuẩn về độ đạm thì không được gọi là sữa nữa.
Để khắc phục tình trạng này, đồng thời để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và đảm bảo tình hình ổn định của thị trường, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Y tế hai việc.
Thứ nhất, Bộ Y tế phải ban hành ngay danh mục sữa và các sản phẩm, chế phẩm từ sữa thuộc mặt hàng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được quy định theo quy định tại Luật Giá, từ đó Bộ Tài chính sẽ điều hành quản lý giá sữa theo quy định theo chức năng nhiệm vụ của mình.
Thứ hai, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu ban hành thông tư quy định mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Giá. Tuy vậy, theo Bộ trưởng Dũng, “chúng ta cũng cần phải thống nhất rằng, mặt hàng sữa vẫn phải quản lý theo cơ chế thị trường, nghĩa là theo giá thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước và Nhà nước chỉ can thiệp khi có yếu tố độc quyền hoặc có vi phạm Luật Cạnh tranh và chỉ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá”.
Chiều ngày 29/9, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề danh mục giá sữa, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chậm nhất đến ngày 5/10 phải ban hành được danh mục về sữa và các sản phẩm, chế phẩm từ sữa thuộc mặt hàng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để bình ổn giá mặt hàng thiết yếu này. (Dân Trí 30/9, mục kinh doanh, tác giả Nguyễn Hiền)