Bình ổn thị trường xăng, dầu
Từ đầu tháng 8 đến nay, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước không thay đổi. Ðây là cố gắng lớn của Chính phủ trong việc tập trung kiềm chế lạm phát cao, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc giữ ổn định giá xăng, dầu - là đầu vào của nhiều ngành kinh tế quan trọng và là nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân, góp phần quan trọng không gây biến động lớn sản xuất và đời sống xã hội.
Tuy nhiên, để tham gia tích cực bình ổn thị trường, các doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng, dầu chịu nhiều áp lực không nhỏ. Ðó là, giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường thế giới luôn theo hướng tăng; việc điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ; nguồn cung ngoại tệ cho nhập khẩu xăng, dầu khan hiếm; chi phí vận tải, quản lý, nhân lực tăng theo mặt bằng chung... làm DN thâm hụt nhanh nguồn vốn. DN chiếm thị phần càng lớn càng thấy rõ tác động tiêu cực này.
Trong điều kiện không thuận lợi đó, nhiều tháng qua, lượng bán ra của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam tăng từ 30% đến 60%, tùy theo mặt hàng và khu vực thị trường. Rõ ràng, dù chiếm hơn 50% lượng mua vào và khoảng 40% lượng bán lẻ ra thị trường trong nước, Tổng công ty cũng không chịu được lâu mức 'quá tải' này. Dấu hiệu cho thấy, một số DN xăng, dầu đầu mối khác - đều là DN vốn Nhà nước chiếm phần chi phối và có trách nhiệm bình ổn thị trường như nhau không tham gia tương xứng. Hệ quả là, có thể, do vô tình hay cố ý cung ứng không đủ lượng, chưa kịp thời lượng hàng hóa ra thị trường như cam kết trong hệ thống phân phối của mình, tạo sự thiếu hụt cục bộ và cuối cùng buộc người tiêu dùng tìm nguồn tại hệ thống phân phối của DN đầu mối khác; lại gây nguy cơ thiếu hàng cục bộ tại đây. Tác động không tốt tới tâm lý thị trường và trong xã hội.
Ðể bình ổn thị trường xăng, dầu nội địa, thời gian tới, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần thường xuyên bám sát biến động giá trên thị trường quốc tế; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ thuế, phí và quỹ bình ổn giá xăng, dầu; thu xếp đủ nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu xăng, dầu. Mặt khác cần thực hành tiết kiệm; tăng cường quản lý thị trường, chống găm hàng, chống bán hàng nhỏ giọt hoặc bán quá nhu cầu hợp lý; chống buôn lậu qua biên giới, tung tin thất thiệt; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền...
Trước mắt, khẩn trương kiểm tra và tạo điều kiện cho các DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối nhập khẩu hàng đúng hạn ngạch và tiến độ theo kế hoạch, bảo đảm dự trữ lưu thông như quy định. Ðặc biệt, kiểm tra đưa hàng ra thị trường đúng khối lượng, chủng loại, địa bàn, thời gian.
Các DN đầu mối kinh doanh xăng, dầu cần chung sức bình ổn thị trường xăng, dầu trong nước. (Theo Nhân Dân Điện Tử 15/12, mục Chính trị, tác giả Yến Thy)