Bình gas mini, mối nguy không nhỏ
Vỏ bình gas mini theo quy chuẩn chỉ dùng 1 lần, sử dụng gas áp suất nhỏ, nên giá thành nhập khẩu thường cao. Không có đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhưng bình gas mini vẫn bày bán tràn lan tại Hà Nội suốt nhiều năm qua, trước sự thờ ơ, buông lỏng quản lý của lực lượng chức năng.
“Bom nổ chậm” trong nhà
Trao đổi với An Ninh Thủ Đô sáng 6-11, ông Lý Trần Dũng - Giám đốc Công ty Gas Ngọn Lửa Thần khẳng định: Ở Việt Nam hiện không có đơn vị nào sản xuất vỏ bình gas mini, cũng như san chiết, bán loại gas này. Tại Thành phố Hồ Chí Minh trước đây, có doanh nghiệp đã nhập khẩu loại bình này về bán, song do giá thành cao, khoảng 60.000-100.000đồng/vỏ, nên nhanh chóng thua lỗ. Vỏ bình đã vậy, giá gas dùng cho bình mini cũng là loại đặc biệt, áp suất nhẹ, đắt hơn các khí đốt hóa lỏng thông thường, đẩy giá thành một bình gas mini lên cao ngất ngưởng. Không được người tiêu dùng đón nhận, các hãng Gas trong nước không còn mặn mà với sản phẩm này lâu nay. Đây chính là “cơ hội” cho các đối tượng, cơ sở san chiết gas lậu hoành hành.
Nhẩm tính số lượng bình gas mini tiêu thụ mỗi ngày tại các xóm trọ sinh viên, quán lẩu trên địa bàn Hà Nội, có thể thấy “bức tranh”, thực trạng san chiết gas lậu ở Thủ đô diễn biến phức tạp thế nào. Những tiện lợi mà bình gas mini đem lại như: giá rẻ, dễ mua, đã khiến người tiêu dùng không để ý đến các khuyến cáo về sự nguy hiểm, khi sử dụng loại bình này. Đại diện Công ty Gas Ngọn Lửa Thần lý giải: Nhà sản xuất quy định rất rõ bình gas mini chỉ sử dụng 1 lần, với loại gas riêng biệt, tỷ lệ 70% Butan và 30% Propan (gas là hỗn hợp khí Butan và Propan). Thông thường, nhà sản xuất chỉ bơm đầy 80% thể tích bình gas, tránh trường hợp khí giãn nở gây nổ trong môi trường nhiệt độ cao, hoặc va chạm khi vận chuyển. Nhưng khi cơ sở san chiết trái phép tái sử dụng vỏ bình, họ lại nạp gas từ các bình loại 12kg, gas công nghiệp loại 45kg (tỷ lệ 50% Butan và 50% Propan) vào bình mini. Với tỷ lệ này, áp suất hơi bão hòa của gas trong bình sẽ vượt quá áp suất cho phép. Việc san chiết gas từ bình lớn sang bình gas mini lâu nay được thực hiện thủ công, không có dụng cụ san chiết, van điều áp. Gas san chiết vào bình mini nhiều hay ít, đều dựa trên cảm tính của các “chuyên gia”, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Theo thống kê mới nhất của Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thủ đô xảy ra 13 vụ cháy, nổ liên quan đến gas, làm chết 2 người, bị thương hơn 10 người. Qua điều tra, cơ quan công an xác định nguyên nhân cháy, nổ đều do rò rỉ khí gas, trong đó có 1 vụ cháy do nổ bình gas mini ở địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Là loại hình kinh doanh có điều kiện, các cá nhân, tổ chức kinh doanh gas phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động, đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên một thực tế lâu nay, bình gas mini vẫn được bày bán công khai ở nhiều khu chợ, khắp các ngõ ngách trên địa bàn Thủ đô, mà không hề bị lực lượng Quản lý thị trường, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, công an cơ sở và cả chính quyền địa phương nhắc nhở, kiểm tra, thu giữ.
Một trong những nguyên nhân khiến việc kiểm tra, kiểm soát hành vi san chiết gas trái phép kém hiệu quả, là do chế tài xử phạt chưa nghiêm. Với chế tài hiện nay, dù lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện ở hiện trường có các dụng cụ san chiết, cũng không thể xử phạt vì không bắt được quả tang. Chỉ huy Đội Hướng dẫn về phòng cháy chữa cháy - Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hoàn Kiếm cho biết: Nghị định số 123/2005/NĐ-CP, ngày
5-10-2005, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, chỉ quy định xử phạt hành vi san chiết gas trái phép. Trường hợp người dân bày bán bình gas mini, lực lượng công an chỉ có thể tịch thu, tiêu hủy mà chưa có chế tài xử phạt.
Vụ nổ gas, sập nhà, 2 cháu nhỏ chết là lời cảnh báo đến số đối tượng đang lén lút san chiết gas trái phép, cũng như thói quen sử dụng bình gas mini không an toàn trong đun nấu, sản xuất của nhiều người dân. (An Ninh Thủ Đô 07/11, tr1+7, Tác giả Thu Hạnh)