PV Gas bảo đảm an toàn cho đường ống dẫn khí
Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, giữ vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí, từ lĩnh vực thu gom, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí.
PVGas hiện đang quản lý, vận hành an toàn 3 hệ thống đường ống thu gom Khí Cửu Long, NCS, PM3 Cà Mau và hệ thống phân phối khí thấp áp, kho, trạm chiết nạp LPG, CNG, cung cấp khí làm nguyên, nhiên liệu để sản xuất khoảng 40% sản lượng điện, 70% thị phần phân bón và duy trì trên 60% thị phần khí hóa lỏng phục vụ các ngành công nghiệp và dân dụng trong cả nước. Với trách nhiệm nặng nề đó và với đặc thù ngành công nghiệp Khí luôn tiềm ẩn rủi ro cháy nổ, trong quá trình sản xuất kinh doanh, Tổng Công ty Khí Việt Nam luôn coi công tác đảm bảo an toàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Nhiệm vụ này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Ban lãnh đạo TCT đến các đơn vị thành viên và từng người lao động.
Cho đến nay, sau gần 25 năm hình thành và phát triển, TCT Khí Việt Nam tự hào đã bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình sản xuất, kinh doanh, không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân, khẳng định vị trí của TCT Khí Việt Nam, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Trong năm 2013, công tác An ninh – An toàn – Sức khỏe – Môi trường (AN – ATSKMT) của Tổng Công ty tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo và các Ban của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, bộ ngành và chính quyền địa phương các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, đơn vị liên quan trong Tổng Công ty. Hệ thống cơ sở vật chất các công trình khí được xây dựng có chất lượng tốt, công nghệ hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về an toàn vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống khí tiếp tục vận hành ổn định. Việc hoàn thành và đưa vào vận hành kho LPG lạnh Thị Vải góp phần tăng tính chủ động cũng như an toàn trong sản xuất và kinh doanh LPG. Cụm máy nén khí PM3 – Cà Mau được đưa vào vận hành để tăng công suất tiếp nhận khí cho công trình khí PM3-Cà Mau. Việc tiếp nhận nguồn khí mới Hải Thạch Mộc Tinh từ bể Nam Côn Sơn góp phần làm tăng nguồn cung cho khu vực Đông Nam Bộ gần 2 tỷ m3 khí/năm. Tập thể CBCNV trong toàn Tổng Công ty có trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ cao và có tinh thần trách nhiệm trong thực hiện công việc, đảm bảo an toàn cho các công trình khí. Việc triển khai áp dụng và duy trì hiệu quả hệ thống quản lý An toàn – Chất lượng – Môi trường (AT – CL - MT) tại các đơn vị trong toàn Tổng Công ty đã giúp cho việc đo lường, kiểm soát an toàn ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, công tác ATSKMT của PV GAS cũng gặp không ít khó khăn khi phạm vi hoạt động của các công trình khí càng ngày càng trải rộng ngoài biển và trên bờ, qua nhiều địa hình phức tạp, thường xuyên có các hoạt động gây nguy cơ mất an toàn cho công trình như đốt lửa, thi công xây dựng, xe tải nặng, đào xới, tàu thuyền neo đậu, đánh bắt cá… trong khu vực quy định đảm bảo an toàn cho công trình. Hệ thống thiết bị các công trình khí đã nhiều năm vận hành, đòi hỏi tăng cường công tác kiểm soát an ninh, an toàn, quản lý vận hành và bảo dưỡng sửa chữa (BDSC). Việc triển khai các công trình mới có đấu nối với các công trình khí hiện hữu, tạo nguy cơ xảy ra mất an toàn trong quá trình xây dựng, vận hành cao hơn. Ví dụ như đối với công trình kho LPG lạnh Thị Vải, cụm máy nén khí PM3 – Cà Mau, tiếp nhận khí Hải Thạch Mộc Tinh…, công tác quản lý an toàn nhà thầu trong các dự án đầu tư xây dựng còn nhiều khó khăn do nhận thức an toàn của nhân viên nhà thầu còn hạn chế. Trong năm 2013, PV GAS cũng liên tục đưa vào vận hành các công trình như hệ thống thu gom khí Rồng – Đồi Mồi mở rộng, cụm máy nén khí PM3 – Cà Mau, kho LPG lạnh Thị Vải, tiếp nhận khí Hải Thạch Mộc Tinh… Điều này càng đòi hỏi việc tăng cường quy mô quản lý.
Trong thời gian qua, công tác bảo dưỡng ngăn ngừa, đột xuất được hoàn thành ở mức cao, nâng cao độ tin cậy của hệ thống thiết bị, đảm bảo cho công trình vận hành an toàn, liên tục với hiệu suất cao nhất. Cụ thể, có 22580 đầu việc bảo dưỡng ngăn ngừa và 355 đầu việc bảo dưỡng đột xuất đã được hoàn thành trong cả năm. Toàn bộ các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và các thiết bị đo lường đều được quản lý kiểm định, hiệu chuẩn đúng theo quy định của pháp luật. Tất cả các công trình khí đều được cơ quan đăng kiểm trong nước và quốc tế cấp chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật ngay từ giai đoạn triển khai dự án và đưa vào vận hành. PV GAS đã thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm... cho tất cả các công trình, sản phẩm kinh doanh theo đúng quy định pháp luật.
Công tác BDSC định kỳ có dừng khí tháng 7 và 9/2013 cũng đã được hoàn thành với thời gian được rút ngắn đáng kể so với kế hoạch. Đối với hệ thống khí PM3-Cà Mau công tác BDSC về trước tiến độ 3 ngày; đối với hệ thống khí Cửu Long - trước 34 giờ, đối với hệ thống khí Nam Côn Sơn - trước 2,5 giờ. Tổng giá trị làm lợi do rút ngắn thời gian BDSC và tối ưu hóa quá trình vận hành là khoảng 5,46 triệu USD. PV GAS cũng hoàn thành công tác phóng thoi đường ống PM3-Cà Mau, đường ống biển Nam Côn Sơn và 03 đường ống sản phẩm lỏng Dinh Cố - Thị Vải, đường ống dẫn khí Sư Tử Vàng - Bạch Hổ, Bạch Hổ - Dinh Cố, Dinh Cố - Bà Rịa - Phú Mỹ nhằm đánh giá đúng hiện trạng kỹ thuật của đường ống, đưa ra các phương án xử lý nếu cần thiết, đảm bảo đường ống vận hành an toàn, liên tục. Đặc biệt nổi bật là việc PV GAS hoàn thành và đưa vào vận hành an toàn kho LPG lạnh Thị Vải, tăng tính chủ động cũng như an toàn trong việc sản xuất, kinh doanh LPG; hoàn thành và đưa vào vận hành an toàn cụm máy nén khí PM3-Cà Mau, tăng quyền nhận khí PM3 và sản lượng khí cấp cho các hộ tiêu thụ khu vực Tây Nam Bộ lên 6,2 triệu m3 khí/ngày; hoàn thành và đưa vào hoạt động dự án Rồng - Đồi Mồi mở rộng góp phần bổ sung cho hệ thống khí Cửu Long trên 0,7 triệu m3 khí mỗi ngày; tiếp nhận nguồn khí mới Hải Thạch Mộc Tinh từ bể NCS, góp phần làm tăng nguồn cung cho khu vực Đông Nam Bộ gần 2 tỷ m3 khí/năm; lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống giám sát an toàn tuyến ống (PSMS) cho đường ống Phú Mỹ - Hồ Chí Minh; trang bị phần mềm quản lý đường ống khí Cửu Long, PM3-Cà Mau và đưa vào hoạt động để quản lý đường ống được hiệu quả.
Công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học trong vận hành, BDSC, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật được chú trọng đặc biệt. Trong năm 2013, toàn TCT đã có 78 sáng kiến, cải tiến, hợp lý hóa sản xuất, làm lợi cho TCT trên 240 tỷ đồng.
Mặc dù khối lượng công việc BDSC ngày càng tăng và nhiều thiết bị phức tạp nhưng bởi đội ngũ CBCNV làm công tác vận hành, BDSC đã làm chủ được kỹ thuật, phương thức triển khai, nên qua các đợt BDSC lớn đều vượt tiến độ về thời gian, bảo đảm an toàn, chất lượng và hiệu quả.