Diễn tập và hội thảo xử lý thông tin ứng cứu sự cố khẩn cấp đường ống khí trên biển
Đường ống khí Nam Côn Sơn là một dự án liên doanh hoạt động dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh bao gồm 3 đối tác: Tổng Công ty Khí Việt Nam – Nhà điều hành dự án (51%), Rosneft (32,67%), Perenco (16,33%). Đây là một hệ thống vận chuyển và xử lý khí quan trọng, cung cấp và vận chuyển khí qua hệ thống đường ống khí Nam Côn Sơn đảm bảo cho các nhà máy điện tại khu công nghiệp Phú Mỹ (BR-VT) và Nhơn Trạch (Đồng Nai) sản xuất khoảng 30% sản lượng điện quốc gia (tương đương lượng điện cung cấp cho toàn bộ TP HCM, Hà Nội và khu vực miền Trung); tham gia trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia với trên 30% sản lượng điện cả nước được sản xuất từ nguồn khí này.
Ngày 9/9/2014, PV GAS, Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn (NCSP) đã phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức diễn tập xử lý thông tin ứng cứu sự cố khẩn cấp đường ống khí trên biển. Mục tiêu diễn tập là thực tập khả năng xử lý thông tin và các hành động để ứng cứu sự cố rò rỉ khí, qua đó, đánh giá tính hợp lý của quy trình ứng cứu khẩn cấp và khả năng phối hợp của các lực lượng tham gia.
Tình huống diễn tập được thiết kế là sự cố rò rỉ khí tại cụm kết nối đường ống KP.75, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 300 km. Theo đó, lúc 8 giờ ngày 9-9, trong quá trình hoạt động, các thuyền viên tàu HANA (làm dịch vụ cho NCSP) phát hiện thấy tại khu vực KP.75 có hiện tượng nước bị xoáy, màu sắc bất thường kèm bọt khí và thuyền trưởng đã lập tức báo về NCSP. Đồng thời, tại Nhà máy NCSP, nhân viên vận hành cũng phát hiện trên hệ thống có báo động rò rỉ khí tại khu vực KP.75 với lưu lượng 1 triệu m3 khí/ngày đêm và lập tức báo cáo lên cấp trên. Đây là một sự cố đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng nhiều người, có thể thiệt hại nặng nề đến môi trường, tài sản quốc gia.
Ngay sau đó, quy trình ứng cứu khẩn cấp đã được kích hoạt và tất cả các cơ quan, đơn vị có chức năng liên quan được thông báo, báo cáo về sự cố để thực hiện chức trách, nhiệm vụ tham gia ứng cứu. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Đài thông tin duyên hải Vũng Tàu, Vùng cảnh sát biển 3, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực 3, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy… và chủ dây chuyền khí, các cơ quan cấp trên cùng các đơn vị có chuyên môn sâu đã vào cuộc cùng NCSP ứng cứu và xử lý sự cố.
Sự cố buộc các mỏ cung cấp khí cho NCSP phải giảm lưu lượng và ngừng cung cấp khí. Đồng thời, các nhà máy điện sử dụng khí của NCSP phải tăng tối đa lượng khí tiêu thụ để giảm áp suất trong đường ống khí, giảm lượng khí rò rỉ nhằm hạn chế nguy cơ rủi ro. Bên cạnh đó, tình huống một tàu cá nhỏ đi lạc vào vùng có khí gas loang và bốc cháy cũng đã được đặt ra để các lực lượng tiến hành ứng cứu số ngư dân trên tàu nhảy xuống biển.
Việc tìm, xác định điểm rò rỉ khí, khóa van đường ống đấu nối còn được thiết kế tăng độ khó, khẩn cấp như lượng khí rò rỉ tăng bất thường gấp 5 lần, thiết bị đóng van bị kẹt vào thảm rong nhân tạo buộc phải triển khai thợ lặn để khóa đã được NCSP và các đơn vị chuyên môn phối hợp nhịp nhàng. Sau 2 ngày, điểm rò rỉ đã được khống chế hoàn toàn và kịp thời cho phép các giàn còn lại không có sự cố tại điểm đấu nối với đường ống Nam Côn Sơn tiếp tục cấp khí bình thường trở lại, đảm bảo cho các nhà máy điện hoạt động.
Từ thực tế cuộc diễn tập này, ngày 12/9/2014, Tổng công ty Khí Việt Nam và Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế xử lý thông tin phối hợp ứng cứu sự cố khẩn cấp đường ống khí ngoài biển tại TP Vũng Tàu.
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) Lê Thanh Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Vũ Trường Sơn, cùng đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo các đơn vị trong hợp doanh đường ống khí Nam Côn Sơn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tỉnh BR-VT, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh BR-VT, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3, đài thông tin duyên hải Vũng Tàu, Vùng 3 Cảnh sát Biển…
Tình huống giả thiết xảy ra là nếu sự cố xảy ra thì khi hệ thống khí Nam Côn Sơn dừng, các nhà máy điện Phú Mỹ và Nhơn Trạch sẽ phải chuyển sang chạy bằng nhiên liệu thay thế (DO). Mỗi ngày chạy bằng dầu so với chạy khí sẽ tiêu tốn thêm khoảng 400 tỷ đồng trong mùa khô và 200 tỷ đồng trong mùa mưa. Nếu chạy bằng dầu trong một tháng sẽ tiêu tốn thêm khoảng 9.450 tỷ đồng, tương đương với số tiền xây dựng một nhà máy điện mới, có công suất 720 MW như nhà máy điện Phú Mỹ 3. Còn trường hợp, nếu hệ thống khí NCS dừng đột xuất và các nhà máy điện Phú Mỹ, Nhơn Trạch không kịp chuyển đổi sang nhiên liệu thay thế, thì có thể dẫn đến hiện tượng sụt giảm khí áp và rã lưới điện quốc gia. Thiệt hại lúc đó là không thể đo được. Nếu sự cố rò rỉ tại KP75 gây cháy nổ đường ống, sẽ phải mất nhiều tháng để khắc phục, kéo theo đó là thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng do dừng khí, chưa kể thiệt hại về người và tài sản.
Vì vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm thu thập những ý kiến về cơ chế xử lý thông tin để phối hợp ứng cứu sự cố ngoài khơi, đánh giá nhận xét về cuộc diễn tập xử lý thông tin ứng cứu sự cố rò rỉ khí giả lập trên đường ống khí ngoài khơi tại khu vực KP75 ngày 9/9/2014. Đồng thời, Hội thảo cũng trao đổi những bài học kinh nghiệm thực tế về ứng cứu sự cố rò rỉ khí từng xảy ra ngày 23/8/2013 tại KP75, trên phần đường ống của mỏ Chim Sáo (POVO).
Đối với chương trình diễn tập hôm 9/9/2014, các đại biểu tham dự đã thẳng thắn nhận xét những mặt được và chưa được, từ đó làm tiền đề để hoàn thiện, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để kịp thời ứng phó khi có sự cố. Nhìn chung, chương trình diễn tập đã phần nào phản ánh được những khó khăn, phức tạp và nguy hiểm khi sự cố xảy ra, mà nếu không kịp thời, thực hiện chính xác các biện pháp xử lý, thì mức độ thiệt hại khó lường trước được.
Phần lớn các đại biểu ủng hộ và hoan nghênh việc tổ chức diễn tập thường xuyên các chương trình phối hợp ứng cứu sự cố khẩn cấp đường ống khí ngoài biển và các chương trình tương tự. Việc làm này thể hiện tinh thần chuẩn bị để đối phó với những sự cố trên biển, sự nỗ lực, cố gắng cao của NCSP trong việc trao đổi thông tin và ứng cứu sự cố khẩn cấp.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc PetroVietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn đánh giá cao việc tổ chức hoạt động diễn tập để chủ động ứng phó với sự cố khẩn cấp trên biển của NCSP, và đề nghị: Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn hỗ trợ thông tin về hạ tầng cơ sở xây dựng trang thiết bị để phối hợp khi cần thiết. Đối với các đơn vị trong ngành, Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn yêu cầu PV GAS, PTSC, PTSC Marine… nghiên cứu việc phối hợp xây dựng danh mục và quy chế huy động các yếu tố như nhân lực, vật lực, tàu bè, ROV kể cả máy bay… để có thể ứng cứu khẩn cấp một khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra đối với bất kỳ tình huống nào trên bờ cũng như ngoài biển; các đơn vị trong ngành liên tục cập nhật các chương trình, kế hoạch diễn tập để luôn sẵn sàng cho mọi tình huống.
Hội nghị và cuộc diễn tập lần này được đánh giá là có quy mô lớn, được ghi nhận là một nỗ lực của PV GAS và NCSP, đạt được hiệu quả phối hợp giữa tất cả các đơn vị, địa phương liên quan, là một hình mẫu huấn luyện có tính thực tế cao nhằm tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho các công trình khí và mạng lưới năng lượng quốc gia.