Ngọn lửa đổi mới bùng cháy
Vào những ngày cuối năm này, những người như tôi, bước vào tuổi xưa nay hiếm không khỏi nhớ về những giờ phút đổi đời của cả một dân tộc, từ đói nghèo, vươn lên thoát nghèo để có thể bắt đầu nghĩ tới phát triển bền vững, hội nhập cùng sự thịnh vượng chung của cộng đồng quốc tế.
Tại sao chỉ những lớp người thế hệ ấy? Thực ra là người Việt Nam những ngày này, ai cũng có những tâm tư, suy ngẫm của riêng mình. Nhưng những người ở độ tuổi trên dưới 70 có những niềm tâm sự riêng và thường nghiêng về “hồi đó”, nghĩa là kỷ niệm của một thời để chiêm nghiệm, để sống cùng hiện tại với tất cả tình cảm và trách nhiệm của người từng trải. Bởi họ từng sống trong gian khổ của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, từng cảm nhận cái đói triền miên và sự thiếu thốn toàn diện của thời bao cấp. Và tất nhiên cũng chứng kiến và tham gia vào những công việc, sự kiện có tính lịch sử của quá trình phát triển đất nước, một quá trình mà bây giờ nhìn lại chỉ có thể ngỡ ngàng mà tổng kết: Biến cái không thể thành có thể, xây dựng từ con số không để có ngày hôm nay bằng tất cả ý chí, nghị lực ngoan cường của con người Việt Nam. Một trong những con người ấy phải kể đến những người trong ngành Dầu khí Việt Nam từ những ngày đầu gian khổ đi lên. Những con người ấy có thể gọi chung là ưu tú, là anh hùng, là những người con đích thực của dân tộc Việt Nam nghèo khó mà trong sạch, có nhiều kẻ thù mà khoan dung, ngoan cường, sáng tạo trong gian khó, thủy chung với bè bạn. Tôi muốn khẳng định rằng, dẫu những ngày này, một số người ở một vài đơn vị thuộc ngành Dầu khí đang gây nỗi bất bình trong toàn xã hội, nhưng không vì thế mà khỏa lấp, lu mờ những dấu son lịch sử của ngành cùng bước đi nhọc nhằn và vinh quang của dân tộc Việt Nam. Không có lý do gì để không vui với thông tin tấn dầu thô đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ - năm 1986.
Thế rồi 30 năm sau, không có lý do gì để không vui với kết quả sản xuất kinh doanh của ngành Dầu khí năm 2016 trong hoàn cảnh giá dầu thấp hơn nhiều so với kế hoạch vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Phải khẳng định dứt khoát rằng, dù có ai đó, cá nhân, đơn vị nào đó không giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Dầu khí, thì đó cũng chỉ là cá biệt không thể chấp nhận được, còn toàn ngành Dầu khí với hàng vạn cán bộ, công nhân viên của mình vẫn kiên cường bám biển, bám dầu và tiếp tục làm nên những kỳ tích vì sự phát triển của đất nước.
Ngọn lửa đổi mới vẫn luôn rực cháy!
Ngọn lửa thông báo với toàn thế giới Việt Nam đã chính thức khai thác dầu được thắp lên giữa biển khơi vào giữa những ngày bắt đầu sự nghiệp đổi mới. Sự trùng hợp có tính lịch sử và sự kiện ấy cũng thực sự xứng đáng đi vào lịch sử của ngành và của cả sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đó là ngày 26-6-1986. Cái ngày mà nhiều người trong ngành Dầu khí không thể nào quên được. Không quên được vì nhiều lý do, trong đó có những điều chỉ ở Việt Nam mới có. Đó là khi dầu đã lên bình tách, khí đã ra đuốc đốt (faken) nhưng không làm sao đốt được. Lý do thật đơn giản là hệ thống đánh lửa không làm việc.
Nói đến đây phải dừng lại để nói thêm về sự khó khăn đến không tưởng của thời kỳ đó. Nếu bây giờ một gia đình, một quán tạp hóa cũng có thể có một vài máy vi tính, thì khi ấy ngành Dầu khí phải khéo trình cùng với một vài mẹo nhỏ mới có nổi một cái. Có một cái vi tính mà cán bộ mừng hơn một đứa trẻ con được quà khi mẹ đi chợ về. Thiếu thốn không thể kể hết, không thể tưởng tượng được. Và muốn vượt qua nó chỉ có lòng đam mê nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm “không thể tưởng tượng được” với công việc, với đất nước để làm nên những điều không thể. Nếu tính mọi điều kiện về con người, vật chất và các điều kiện liên quan, có thể nói không thể khai thác được dầu từ mỏ Bạch Hổ vào năm 1986. Nhưng sự thật ngọn lửa Dầu khí đã bùng cháy giữa trùng khơi vào ngày 26-6-1986 bởi sự quả cảm và cũng “rất thủ công Việt Nam” của hai công nhân dầu khí đã xung phong cầm đoạn ống dầu, bịt giẻ tẩm dầu trèo lên đốt ngọn đuốc dầu khí Việt Nam giữa Biển Đông.
Ngọn lửa dầu khí, ngọn lửa đổi mới được thắp lên như thế đó! Và ngay năm ấy chúng ta đã khai thác được 40 ngàn tấn dâu thô đầu tiên. 40 ngàn tấn so với hàng vài chục triệu tấn ngày nay là nhỏ về số lượng, nhưng ý nghĩa thật vô cùng to lớn. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói: “1 tấn dầu lúc này bằng cả trăm tấn sau này”. Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười khẳng định: “Cuối những năm 80, đầu những năm 90, đất nước đứng vững được, phát triển được nhờ dầu khí và lương thực”.
30 năm, một chặng đường. Chặng đường đổi mới đầy gian khổ nhưng cũng nhiều kỳ tích. Đất nước đã chuyển sang một vị thế mới, giai đoạn mới thuận lợi hơn nhiều, dù còn trăm vạn khó khăn. Phải có niềm tin, phải biết vượt khó, phải giữ cho trái tim mình nhịp đập vì Tổ quốc, tâm hồn trong sáng, nhẹ lâng để có thể bay bổng ngay trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Đó phải chăng là những bài học của hôm qua và khẩu hiệu hành động của chúng ta hôm nay. Phải thắng chính những điều còn u tối trong lòng mình, thắng sự tham lam, ích kỷ, vô cảm, vô trách nhiệm để đạt tới những điều tốt đẹp hơn cho mình, cho đồng chí mình và đặc biệt cho nhân dân mình, cho Tổ quốc của chúng ta.
Ngọn lửa đổi mới đã bùng cháy giữa trùng khơi hôm qua, nhất định sẽ sáng mãi giữa Biển Đông hôm nay cho dù dông bão có từ bên trong hay bên ngoài dội tới. Nó là sự thật vì nó là quy luật của sự phát triển, chân lý của điều thiện, điều tốt đẹp.
TS Nguyễn Viết Chức