PV GAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close
Phân mục: Tin hoạt động

Bảo vệ an ninh an toàn các công trình khí – nhiệm vụ khó khăn và thường trực

Đặc thù của ngành công nghiệp khí luôn tiềm ẩn rủi ro cháy nổ cao. Với hệ thống dẫn khí, công trình khí trải dài hàng ngàn km trên biển và trên bờ, việc bảo đảm an ninh, an toàn, giữ gìn cuộc sống bình yên cho cộng đồng dân cư là một nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong quá trình sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS).

PV GAS hiện đang quản lý, vận hành an toàn 4 hệ thống khí có tổng chiều dài đường ống dẫn khí trên 1.100 km là: hệ thống khí Cửu Long, Nam Côn Sơn, PM3 - Cà Mau, Thái Bình. Hệ thống kho chứa LPG của PV GAS cũng trải rộng khắp cả nước với tổng công suất trên 92 ngàn tấn, chiếm 60% công suất kho của cả nước. Hệ thống phân phối khí thấp áp, khí nén CNG được cung cấp cho 200 khách hàng công nghiệp, lấy khí làm nguyên liệu, nhiên liệu để sản xuất khoảng 30% sản lượng điện quốc gia, 70% thị phần phân bón và duy trì trên 70% thị phần khí hóa lỏng; cùng nhiều dịch vụ giao thông, công nghiệp và dân sinh khác. Chương trình phối hợp công tác với các đơn vị chuyên trách, với chính quyền và nhân dân ở các địa phương có công trình khí được PV GAS duy trì và tăng cường hàng năm, lấy phương châm An toàn – Chất lượng - Hiệu quả là mục tiêu xuyên suốt để làm tốt hơn nữa công tác an ninh, an toàn, bảo vệ công trình khí, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển và trên bờ.

Công tác phối hợp, tuần tra bảo vệ công trình khí:

Trong thời gian qua, PV GAS tiếp tục duy trì công tác phối hợp với chính quyền địa phương, Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát Biển, Tổng cục Thuỷ sản trong việc tuần tra, tuyên truyền và xử lý các vụ vi phạm có khả năng gây mất an toàn cho công trình khí và các hệ thống đường ống dẫn khí. Các quy chế phối hợp được ký kết và tái ký kết với các lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát PCCC nơi có công trình khí đi qua như: tỉnh BR-VT, Đồng Nai, TP.HCM, Cà Mau, Thái Bình và tổ chức họp sơ kết 6 tháng/lần về công tác phối hợp. Đặc biệt, PV GAS đã ký kết qui chế phối hợp với Tổng Cục thuỷ sản thuộc Bộ NN&PTNT để phối hợp cung cấp thông tin và tuyên truyền bảo vệ an ninh, an toàn hệ thống đường ống dưới biển của Tổng công ty, đồng thời tổ chức chương trình đào tạo an ninh an toàn dầu khí cho thuyền trưởng, máy trưởng theo quy chế. Đối với các dịp Lễ/Tết, PV GAS phối hợp với Công an kinh tế (PA-81), Cảnh sát PCCC (PC-66) các tỉnh BRVT, Đồng Nai, Cà Mau, TP.HCM, Thái Bình thực hiện kiểm tra công tác an ninh bảo vệ, an toàn PCCC tại các công trình khí. PV GAS và các công ty trực thuộc, thành viên cũng tổ chức các cuộc họp giao ban về công tác bảo vệ an ninh/an toàn với Công an và chính quyền các địa phương (huyện, xã). Tất cả các công trình khí đều đã được xây dựng các phương án bảo vệ an ninh, an toàn và thường xuyên tổ chức họp, đánh giá tình hình thực hiện. Công tác tuần tra bảo vệ dọc tuyến ống trên bờ được Công ty Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn (NCSP) và Công ty Vận chuyển khí Đông Nam bộ (KĐN) phối hợp thực hiện đúng quy trình tuần tra đã phê duyệt. Ngoài ra, các đơn vị còn phối hợp công an các địa phương tổ chức tuần tra 106 lần.

Để bảo vệ hệ thống dẫn khí trên biển, PV GAS duy trì công tác phối hợp với Bộ đội Biên phòng BR-VT tuần tra bảo vệ tuyến ống biển trong phạm vi 12 hải lý 10 lần/tháng; với Bộ đội Biên phòng Cà Mau 1 lần/tháng. Với phạm vi ngoài 12 hải lý, trong năm 2016, NCSP phối hợp Bộ đội biên phòng BR-VT tổ chức tuần tra 2 lần cho đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn; KĐN và KCM phối hợp lực lượng Cảnh sát biển (CSB) tuần tra 18 lần cho đường ống Bạch Hổ và 9 lần cho đường ống PM3-Cà Mau. Mạng lưới công tác viên dọc tuyến ống gồm 78 người được duy trì hoạt động, góp phần tăng cường cho công tác bảo vệ chung. PV GAS đã tổ chức 2 khóa đào tạo nghiệp vụ cho mạng lưới công tác viên này trong năm 2016.

Liên tục phát hiện các vụ việc mất an ninh, an toàn trên công trình khí:

Tính riêng trong năm 2016, các đơn vị KĐN, NCSP, KCM đã phối hợp phát hiện 14 vụ vi phạm an ninh trên hành lang an toàn (HLAT). Nguyên nhân các sự cố trên bao gồm các hoạt động vi phạm hành lang tuyến ống như đào xới bằng thủ công/cơ giới (5 vụ); Xây dựng, trồng cây lấn chiếm (2 vụ), xe có tải trọng trên 5 tấn sa lầy (3 vụ), tàu thuyền neo đậu (2 vụ) trong HLAT và sử dụng mìn/đạn pháo trong HLAT (2 vụ). Những vụ việc xảy ra do chủ phương tiện từ nơi khác đến, chưa được truyền thông và chưa biết các thông tin quy định an toàn hành lang tuyến ống. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do kiểm soát an toàn chưa được chặt chẽ hoặc người điều khiển phương tiện cố tình vi phạm hành lang tuyến ống, không tuân thủ các biển báo cấm của công trình khí.

Đặc biệt, trong năm 2016 xảy ra vụ việc các hộ dân xây dựng lấn chiếm, cố tình vi phạm hành lang tuyến ống, và một số khiếu nại của các hộ nuôi ngao và trồng lúa tại Tiền Hải (Thái Bình). Các vụ việc này làm tăng nguy cơ mất an toàn cho Hệ thống khí Thái Bình, uy tín của PV GAS và an ninh trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Tổng công ty đã phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thái Bình, chính quyền và nhân dân địa phương xử lý dứt điểm vụ việc, không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào và gia tăng sự đồng thuận của người dân. 

Đối với hệ thống đường ống dẫn khí trên biển, công tác bảo vệ cũng không kém phần phức tạp. Trong năm 2016, số vụ vi phạm HLAT tiếp tục được phát hiện và xử lý bởi nhiều lực lượng phối hợp. Lực lượng tuần tra Biên phòng đã phát hiện 9 vụ trong vùng sát bờ 12 hải lý và  41 vụ ngoài 12 hải lý. Cảnh sát Biển tuần tra đã phát hiện 59 vụ việc vi phạm. Số lượng vi phạm được phát hiện tăng hơn so với năm 2015 một phần do tàu tuần tra đã được trang bị radar tích hợp hệ thống đường ống dẫn khí, nên gia tăng khả năng quan sát, phát hiện các vi phạm. Tuy nhiên, các vụ vi phạm không dừng lại còn do số chủ phương tiện từ nơi khác đến chưa biết được quy định an toàn hành lang tuyến ống. Vùng biển có các hệ thống dẫn khí cũng là những ngư trường lớn, tập trung nhiều tàu đánh cá trong điểu kiện đánh bắt ngày càng thu hẹp nên một số chủ phương tiện đã được truyền thông, biết thông tin tọa độ các tuyến ống và quy định an toàn nhưng vẫn cố tình vi phạm. Việc vi phạm này đến nay chưa mang tính hệ thống, nhỏ lẻ của hầu hết là các tàu đánh cá công suất từ 500CV (mã lực) trở xuống, sử dụng phương tiện đánh bắt bằng lưới, cào đôi, nên mức độ ảnh hưởng đến an toàn đường ống là không lớn.

Tuy số vụ việc không tăng nhiều nhưng trong năm 2016, Tổng công ty đã phải sửa chữa các điểm móp ống biển của hệ thống khí Cửu Long và PM3 Cà Mau do tác động từ bên ngoài vào các năm trước, tiêu tốn rất nhiều nguồn lực và chi phí hàng chục tỷ đồng. 

Công tác truyền thông bảo vệ công trình khí:

Thực tế đặt ra cho thấy công tác phối hợp giữa PV GAS và các cấp, các ngành, các địa phương luôn cần chuyển biến sâu rộng và chặt chẽ hơn nữa để kịp thời kiểm soát, ngăn ngừa rủi ro cho các công trình, song song với quá trình qui hoạch, phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Được đề cao hơn bao giờ hết, PV GAS đã duy trì, thực hiện công tác truyền thông đối với các hộ dân sống ven tuyến ống bờ và ngư dân đánh bắt gần tuyến ống biển, các doanh nghiệp vận tải biển, bờ; Phối hợp với Bộ đội Biên phòng các tỉnh cài đặt tọa độ các tuyến ống dưới biển lên các máy định vị của tàu cá để các tàu có thể nhận biết và không vi phạm hành lang an toàn tuyến ống. PV GAS cũng thường xuyên thu thập và phổ biến các thông tin an toàn, cháy nổ trên thế giới; tổ chức các buổi họp chuyên đề về vi phạm an toàn hành lang tuyến ống, điều tra, khắc phục sự cố để trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị, nhận định các nguyên nhân chính liên quan đến sự cố để có giải pháp phòng ngừa, tránh sự cố tương tự xảy ra.

Đối với công tác truyền thông bảo vệ HLAT trên đất liền, PV GAS tiếp tục tăng cường, đổi mới cách thức truyền thông trực tiếp; phối hợp với Cảnh sát PCCC Bà Rịa –Vũng Tàu tới từng hộ dân sống dọc tuyến ống miền Đông Nam bộ, thỏa thuận ký 2.100 cam kết PCCC; truyền thông cho 113 Doanh nghiệp, đơn vị tư nhân có phương tiện vận tải, thi công cơ giới tại BR-VT; truyền thông tập trung cho 375 hộ dân tại tỉnh Thái Bình. PV GAS đã phối hợp thực hiện truyền thông cho 665 lượt người tại khu vực miền Trung và 2.200 lượt người khu vực miền Tây Nam bộ; thực hiện tuyên truyền các quy định bảo vệ an ninh an toàn tuyến ống khí qua đài phát thanh địa phương với tần suất 3 lần/ tuần. PV GAS cũng tập trung công tác truyền thông cho các đối tượng dễ ảnh hưởng trực tiếp đến hành lang tuyến ống như các Cơ quan chính quyền địa phương, các Ban quản lý Khu công nghiệp, Ban quản lý đầu tư hạ tầng các địa phương, các Doanh nghiệp xây dựng, các Doanh nghiệp dịch vụ.

Đối với truyền thông bảo vệ HLAT trên biển, PV GAS đã phối hợp tổ chức truyền thông tập trung trực tiếp cho 3.637 ngư dân BR-VT, 9 tỉnh Miền Trung và 8 tỉnh Miền Tây về các quy định bảo đảm an toàn cho tuyến ống biển. TCT cũng phối hợp với Bộ đội Biên phòng các tỉnh cài đặt tọa độ lên các máy định vị của tàu cá đánh bắt xa bờ cho 824 tàu ở khu vực BR-VT, khu vực 9 tỉnh Miền Trung và 4.391 tàu ở khu vực 8 tỉnh Miền Tây. Các đơn vị của PV GAS phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Cảng vụ BR-VT phát hơn 600 bộ tài liệu tuyên truyền cho các tàu do đơn vị trực tiếp quản lý và các tàu vãng lai với trên 11.000 cán bộ quản lý và thuyền trưởng các doanh nghiệp vận tải biển hoạt động trong địa bàn tỉnh BR-VT, Cà Mau.  PV GAS đã tổ chức hội thảo an ninh an toàn đường ống khí trên biển với 60 doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trong tỉnh BR-VT và cùng với Biên phòng BR-VT tuyên truyền cho 200 doanh nghiệp vận tải biển. 

Thực tế công tác truyền thông cũng cho thấy, hoạt động đơn lẻ, thiếu sự phối hợp và thiếu chỉ đạo thống nhất từ cấp trên sẽ không thể đưa đến những kết quả trọn vẹn. Việc đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống công trình khí của PV GAS và của toàn ngành Dầu khí vẫn đang rất cần sự quan tâm hỗ trợ, tăng cường phối hợp của các bộ ngành liên quan, các lực lượng Quân đội, Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển,… để giảm thiểu số vụ vi phạm hành lang an toàn tuyến ống, ngăn ngừa rủi ro cho con người, tài sản, môi trường.

 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên