PV GAS đồng hành cùng “Tuần lễ phòng, chống hàng giả, hàng nhái năm 2019”
Từ ngày 25/11 đến 1/12/2019, Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chương trình “Tuần lễ phòng, chống hàng giả, hàng nhái năm 2019”. Chương trình nhằm hưởng ứng kỷ niệm 12 năm Ngày Phòng, chống hàng giả, hàng nhái (29/11/2007 – 29/11/2019). Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và một số đơn vị đã tham gia đồng hành cùng chương trình.
Hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các quầy hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị, trung tâm thương mại cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng…
PV GAS đồng hành cùng Tuần lễ phòng chống Hàng nhái, hàng giả 2019
Theo số liệu từ Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong 10 tháng qua, trên cả nước có gần 80.000 vụ việc vi phạm trong vấn đề hàng gian, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ được ngành chức năng phát hiện, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018 với tổng số tiền bị phạt và tịch thu hàng hóa trị giá hơn 1.500 tỷ đồng. Riêng lực lượng Quản lý thị trường, từ đầu năm 2019 đã phát hiện và xử lý trên 130.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách gần 600 tỷ đồng.
Điều này chứng tỏ rằng tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và rất manh động. Đặc biệt, nổi lên tình trạng sản xuất, kinh doanh trái phép hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo xuất xứ, nhãn mác "Made in Vietnam" để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Quang cảnh Diễn đàn phòng chống Hàng nhái, hàng giả
Chương trình “Tuần lễ phòng, chống hàng giả, hàng nhái năm 2019” bao gồm chuỗi các hoạt động: Diễn đàn “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp”; Triển lãm ảnh “Thành tựu và kết quả 12 năm triển khai chương trình phòng chống hàng giả, hàng nhái 29/11/2007 – 29/11/2019”; treo băng rôn tuyên truyền trên các tuyến phố Hà Nội… nhằm tạo sức lan tỏa to lớn đến toàn thể xã hội, phổ biến pháp luật rộng rãi về công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái đến người dân, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái hiện nay.
Ngày 26/11, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp".
Ông Hoàng Ánh Dương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường phát biểu tại Diễn đàn
Diễn đàn là cơ hội để các nhà quản lý, nhà làm chính sách, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các chuyên gia kinh tế, các diễn giả, học giả cùng nhìn lại chặng đường phát triển đã qua của doanh nghiệp Việt. Từ đó, cùng nhau nhận định, trao đổi, thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm phòng, chống vấn nạn hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam hiện nay. Diễn đàn mang ý nghĩa thiết thực nhằm hưởng ứng phong trào phòng, chống hàng giả, hàng nhái; nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp.
Các tham luận, ý kiến tại diễn đàn đều thống nhất, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ, như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính...
Tiêu hủy hàng giả tại Hà Nội
Để phòng ngừa vấn nạn hàng giả, hàng nhái các đại biểu cho rằng, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị thực thi pháp luật. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần rà soát, tham mưu, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý (sớm ban hành quy định về ghi xuất xứ đối với hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước), cơ cấu tổ chức, cơ chế đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại hiệu quả hơn trong tình hình mới; cải thiện các nguồn lực phục vụ trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo xuất xứ về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị...