Lễ nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng dự án Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 1 phương án BYPASS
Ngày 31/5/2016, Tổng Công ty khí Việt Nam và các đối tác đã tổ chức Lễ nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng Công trình Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 – Giai đoạn 1 phương án bypass. Đến dự buổi lễ, có đại diện lãnh đạo các bên tham gia dự án: ông Từ Thành Nghĩa - Tổng Giám đốc Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro, ông Lê Hữu Bốn-Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty PVE, ông Đỗ Văn Thanh-Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí, ông Dato Ainuddin Noordin-Trưởng đại diện Tập đoàn Sapura Group, ông Ravisankar Mamidanna-Phó Tổng Giám đốc TLO; về phía PV GAS có ông Lê Như Linh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ông Dương Mạnh Sơn - Tổng Giám đốc, ông Lê Đức Hiệu - Trưởng Ban QLDA Khí Đông Nam bộ, ông Triệu Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty Vận chuyển Khí Đông Nam bộ. Trong buổi Lễ còn có sự hiện diện của các ông/bà là thành viên Hội đồng quản trị/Ban Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam, các ông bà là lãnh đạo Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro/PVE/TLO, các ông/bà đại diện Lãnh đạo các Ban, Văn phòng, đơn vị trong Tổng Công ty Khí Việt Nam.
Với truyền thống 25 năm xây dựng và phát triển, PV GAS đã được thử thách, trải nghiệm và chứng minh năng lực xây dựng và điều hành hầu hết các các công trình khí của Việt Nam, kể từ các hệ thống dẫn khí Bạch Hổ, Nam Côn Sơn và PM3 – Cà Mau, cho đến các công trình khí như nhà máy chế biến khí Dinh Cố (GPP), hệ thống kho chứa khí hiện đại và có quy mô lớn, Hệ thống cung cấp khí thấp áp. Các công trình Khí của PV GAS đều áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới, trải rộng trên địa bàn cả nước. Qua 20 năm vận hành, tất cả các công trình khí của PV GAS đều chứng tỏ tính bền vững, tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn, khả năng hoạt động liên tục và bảo vệ môi trường. PV GAS cũng có kinh nghiệm điều hành thành công và được đánh giá cao trong các dự án thu gom, sản xuất, phân phối và vận chuyển khí từ Bắc tới Nam của đất nước.
Trên cơ sở đó, Tổng Công ty Khí Việt Nam đã vinh dự được Tập đoàn giao nhiệm vụ làm Chủ đầu tư Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 nhằm đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp khí VN. Dự án đã được triển khai từ năm 2011, tuy nhiên thực hiện chủ trương của Chính phủ về dừng, giãn đầu tư hợp lý các dự án, năm 2013, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và PV GAS đã tiến hành phân kỳ đầu tư dự án thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 của Dự án đầu tư hệ thống thu dẫn khí khoảng 151 km từ giàn Thiên Ưng đến khu vực giàn BK4A với tổng mức đầu tư 402,61 triệu USD (tương đương 8.460 tỷ đồng) với mục tiêu thu gom khí Đại Hùng đang bị đốt bỏ lãng phí gây ô nhiễm môi trường, với lưu lượng gần 1 triệu m3/ngày; đồng thời phát triển sớm được mỏ Thiên Ưng, tận dung tối đa cơ sở hạ tầng sẵn có và đảm bảo đầu tư an toàn, hoàn thiện các mục tiêu tổng thể của Dự án NCS2 đã được phê duyệt.
Dự án Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 1 được thực hiện đồng thời cùng với 3 dự án thành phần: Dự án thu gom khí Đại Hùng do PVEP POC làm Chủ đầu tư; Dự án phát triển mỏ Thiên Ưng và Dự án đầu tư bổ sung/nâng cấp cơ sở hạ tầng tại khu vực mỏ Bạch Hổ do VSP làm chủ đầu tư. Đây đều là những công việc hết sức khó khăn và phức tạp do khu vực xây dựng, lắp đặt công trình có độ sâu 125m, nhiều giao cắt/nhiều kết nối, phụ thuộc rất lớn vào cửa sổ thời tiết biển, địa chất phức tạp, nhiều sóng cát…và đặc biệt chỉ có thể đưa khí về Bạch Hổ khi tất cả các dự án đồng thời hoàn thành công tác thi công xây dựng và chạy thử.
Trước những khó khăn, thách thức đó, Tổng công ty Khí Việt Nam luôn ý thức được sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và Tập đoàn đã tin tưởng giao phó. Do đó, ngay khi Phương án Phân kỳ Đầu tư Dự án NCS2-GĐ1 được phê duyệt vào cuối tháng 02/2014, Tổng Công ty và Tổng thầu EPC đã bắt tay ngay vào thực hiện thiết kế chi tiết, mua sắm, lập biện pháp thi công từ tháng 03/2014. Song song với đó, PV GAS đã yêu cầu PVPIPE, PVCoating là hai đơn vị thành viên của PV GAS bắt tay ngay vào sản xuất ống, bọc ống để đảm bảo cung cấp đủ và kịp thời khối lượng ống bọc đã cam kết với Nhà thầu thi công.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của giá dầu trong năm 2014-2015 đến các công tác đầu tư xây dựng các công trình dầu khí, Tập đoàn đã có Nghị quyết số 1375/NQ-DKVN ngày 06/03/2015 thông qua chủ trương về việc triển khai đấu nối đường ống 16” thuộc Dự án Đại Hùng trực tiếp vào đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2- giai đoạn 1 (không xử lý trên giàn Thiên Ưng) để đưa khí Đại Hùng về bờ (gọi là phương án bypass) và điều chỉnh mốc Fisrt gas Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 1, Dự án phát triển mỏ Thiên Ưng và Dự án đầu tư bổ sung/nâng cấp cơ sở hạ tầng tại khu vực mỏ Bạch Hổ và Dự án thu gom khí Đại Hùng vào 30/09/2015. Đồng thời giãn tiến độ hoàn thành Dự án phát triển mỏ Thiên Ưng sang năm 2016 cho phù hợp với thực tế nhằm tiết giảm tối đa chi phí thực hiện.
Đến ngày 05/12/2015 dòng khí đầu tiên từ mỏ Đại Hùng đã được đưa vào Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 1 và đến ngày hoàn thành chạy thử có tải vào ngày 14/12/2015 theo phương án bypass. Từ đây, đánh dấu dòng khí thành phẩm đầu tiên từ mỏ Đại Hùng chính thức đưa vào bờ thông qua đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 – Giai đoạn 1 và đường ống Bạch Hổ - Dinh Cố. Sự kiện trên đánh dấu bước tiến lớn trong ngành công nghiệp Khí Việt Nam nói chung và tiếp nối chuỗi thành công của những dự án do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV GAS, Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro và các đơn vị trong ngành trực tiếp thực hiện.
Đến thời điểm này, Tổng Công ty Khí Việt Nam có thể tự tin khẳng định hoàn thành mục tiêu tồng thể Dự án theo phương án bypass đề ra:
- Đảm bảo vận chuyển khí Đại Hùng đang bị đốt bỏ lãng phí về bờ cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ tại khu vực miền Đông Nam Bộ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng; tiến hành thu gom khí Thiên Ưng vào năm 2016 sau khi VSP đưa giàn Thiên Ưng vào hoạt động;
- Đảm bảo mục tiêu giãn đầu tư hợp lý, đầu tư an toàn và tận dụng tối đa các cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có và đảm bảo mục tiêu tổng thể của Dự án NCS2 và quy hoạch phát triển hạ tầng cơ sở đường ống dẫn khí khu vực Đông Nam Bộ;
- Tạo cơ sở hạ tầng kích thích thăm dò khai thác dầu khí vùng nước sâu bể Nam Côn Sơn; tạo hạ tầng kỹ thuật cho việc nhập khẩu khí trong tương lai và xác định chủ quyền lãnh hải biển, kinh tế của VN.
Dự án NCS2 – GĐ1 là một dự án đặc biệt bởi các hạng mục chính yếu và quan trọng của dự án như sản xuất ống, bọc ống đều do các Nhà thầu trong ngành Dầu khí thực hiện, như: PVPIPVE, PVCoating và đặc biệt gói thầu EPC rải ống biển do VSP – một Tổng thầu có nhiều kinh nghiệm quản lý đã từng là Tổng thầu EPC nhiều dự án lớn của Tập đoàn trong nhiều năm. Sự thành công của Dự án NCS2 – GĐ1 phương án bypass là nguồn cổ vũ, động lực to lớn để chúng ta tin rằng trong tương lai, Tổng Công ty Khí Việt Nam và các nhà thầu trong nước hoàn toàn có đủ năng lực để triển khai những dự án với tính phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao như Dự án NCS2 – GĐ2, nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư, tiết kiệm cho quốc gia và hoàn thành mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư của Dự án NCS2 mà Tập đoàn Dầu khí phê duyệt.
Trên cơ sở kết quả triển khai dự án đến thời điểm này, dự án đã đạt được mục tiêu theo phương án bypass khí Đại Hùng qua chân đế giàn Thiên Ưng được phê duyệt và đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Các bên tham gia dự án đã thực hiện nghi thức ký kết nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng một trong những Dự án cấp Quốc gia, có dấu ấn đặc biệt: Công trình quy mô và phức tạp nhất cho đến thời điểm này, được người Việt hoàn thiện vì ngành Công nghiệp Khí. Các vị lãnh đạo PV GAS đã gửi lời chúc mừng tất cả các đơn vị tham gia hoàn thiện Dự án đã chứng tỏ năng lực vượt trội cũng như sự đồng lòng - đồng sức tạo sức mạnh, dưới sự chỉ đạo sâu sát và quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.