GAS: nỗ lực chi trả cổ tức tối thiểu bằng 30% vốn điều lệ
Diễn biến giá dầu trong những tháng đầu năm 2016 tiếp tục không thuận lợi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS, mã GAS). Tuy nhiên, với các giải pháp đồng bộ, PV GAS cam kết phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh đầy thách thức đã đặt ra.
Kế hoạch kinh doanh đầy thách thức
Năm 2016, PV GAS đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ là 51.345 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 7.032 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức bằng 30% vốn điều lệ. So với thị trường chung, tình hình kinh doanh của PV GAS vẫn khá ấn tượng, nhưng nếu xét trong bối cảnh giá dầu quý 1 năm 2016 thì đây là kế hoạch kinh doanh đầy thách thức.
Cụ thể, kế hoạch năm 2016 được xây dựng trên cơ sở giả định giá dầu thô 60 USD/thùng (giá dầu cơ sở được cơ quan quản lý nhà nước áp dụng để các Tập đoàn lập kế hoạch kinh doanh), cao hơn nhiều so với số liệu thực tế các tháng đầu năm 2016 (35-40 USD/thùng).
Kế hoạch kinh doanh của PV GAS (Công ty mẹ)
Chỉ tiêu
|
ĐVT
|
TH 2015
|
KH 2016
|
+/-% yoy
|
Khí khô
|
Tr.m3
|
10.450
|
9.724
|
-6,95%
|
Condensate
|
1.000T
|
59,6
|
56,7
|
-4,87%
|
LPG công ty mẹ
|
1.000T
|
1.336
|
987
|
-26,12%
|
Doanh thu
|
Tỷ đồng
|
57.474
|
51.345
|
-10,66%
|
LNTT
|
Tỷ đồng
|
10.920
|
8.505
|
-22,11%
|
LNST
|
Tỷ đồng
|
8.720
|
7.032
|
-19,35%
|
Tỷ lệ chia cổ tức
|
%
|
35
|
30
|
|
Giá dầu Brent (nguồn: Bloomberg)
Giải pháp ứng phó với giá dầu giảm của PV GAS
Mặc dù giá dầu thô bình quân quý 1/2016 chỉ bằng khoảng 60% mức giá kế hoạch nhưng PV GAS vẫn đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lần lượt là 12.373 và 1.564 tỷ đồng, tương đương 24% về doanh thu và 22% về lợi nhuận sau thuế kế hoạch cả năm 2016. Thành công này đến từ những nỗ lực của PV GAS:
Thứ nhất, về điều hành sản xuất kinh doanh:
Kiểm soát chặt chẽ và đảm bảo hệ thống khí vận hành ổn định, không để bất kỳ sự cố nào xảy ra làm dừng, giảm khí. Đối với các công trình, hệ thống khí mới, PV GAS luôn cố gắng tiếp nhận và đưa vào khai thác đúng tiến độ Dự án Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 1, dự án cấp bù khí ẩm Nam Côn Sơn cho GPP Dinh Cố… để đảm bảo sản xuất, tiêu thụ khí và các sản phẩm khí ở mức tối đa.
Ngoài ra, để ứng phó với các kịch bản giá dầu giảm, PV GAS đã xây dựng nhiều phương án trong đó chủ trương tập trung vào các nhóm giải pháp đồng bộ như tập trung mở rộng, phát triển nhóm khách hàng chấp nhận tiêu thụ khí và sản phẩm khí giá cao để gia tăng giá trị cho PV GAS, kiểm soát chi phí, khuyến khích nghiên cứu, áp dụng các sáng kiến, cải tiến trong hoạt động vận hành, bảo dưỡng công trình khí…
Thứ hai, về đầu tư và phát triển dự án:
Theo Nghị quyết đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt, trong năm 2016 PV GAS sẽ triển khai 27 dự án lớn nhỏ với số vốn giải ngân là 4.747 tỷ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, PV GAS đã có nhiều giải pháp đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ, chất lượng và chi phí được kiểm soát tốt. Song song đó, PV GAS vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư tiềm năng để trình Đại hội đồng cổ đông thông qua, bao gồm: (i) đầu tư vào thượng nguồn nhằm xây dựng một PV GAS hoàn chỉnh và đồng bộ tất cả các khâu: khai thác, thu gom, vận chuyển, chế biến, xuất nhập khẩu, phân phối các sản phẩm khí; (ii) đẩy mạnh chế biến sâu để tăng cường giá trị gia tăng cho các sản phẩm khí; (iii) xây dựng cơ sở hạ tầng, kho cảng để sẵn sàng nhập khẩu khí nhằm đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường…
Những tín hiệu tích cực đối với sự phát triển của ngành công nghiệp khí
Mặc dù ngành Dầu khí còn nhiều khó khăn, trở ngại nhưng với xu hướng phục hồi tích cực của giá dầu trong thời gian gần đây, cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của PVN và nỗ lực chung của toàn hệ thống, PV GAS nhận thấy, nhiều cơ hội đang mở ra với ngành công nghiệp khí Việt Nam.
Cụ thể, trong thời gian gần đây đã ghi nhận sự hồi phục của giá dầu từ mức 35-40 USD/thùng trong quý 1 lên mức 45 USD/thùng, bất chấp việc các nước OPEC không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy giá dầu đã tạo lập đáy và nhiều khả năng sẽ phục hồi dựa trên các cơ sở sau: (i) sụt giảm sản lượng dầu đá phiến, (ii) nhu cầu xăng dầu ở các nước châu Á (đặc biệt là Trung Quốc), châu Âu và Bắc Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng, (iii) diễn biến chính trị phức tạp ở các nước sản xuất dầu mỏ khu vực châu Phi. Do giá khí và giá LPG bán ra được xác định theo giá dầu Brent nên giá dầu thế giới tăng sẽ có giúp làm tăng hiệu quả kinh doanh của PV GAS.
Bên cạnh đó, ngày 12/1/2016 PV GAS đã nhận được phê duyệt của Chính phủ về cơ chế giá khí bán ra không thấp hơn giá khí tại mỏ. Cơ chế này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của PV GAS nói riêng và của ngành công nghiệp khí nói chung khi đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho các dự án khí trong tương lai của PVN/PV GAS, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn khí giá rẻ bắt đầu suy giảm trong 3-5 năm tới, còn nhu cầu khí cho sản xuất điện, đạm và khách hàng công nghiệp thì không ngừng tăng cao.