Phát triển ngành khí Việt Nam
Báo cáo “Xây dựng khung phát triển ngành khí Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Công Thương phối hợp thực hiện đã xây dựng một lộ trình phát triển cho thị trường khí Việt Nam thời gian tới. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: “Việt Nam có tiềm năng lớn về ngành khí. Theo điều tra thăm dò, trữ lượng khí của Việt Nam hiện vào khoảng gần 700 tỷ m3, đến nay đã khai thác được khoảng 90 tỷ m3. Mật độ phân bố của tài nguyên khí chủ yếu ở các vùng như Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tây Nam Bộ (Cà Mau)…”.
Dù “sinh sau đẻ muộn” hơn so với những ngành năng lượng khác như dầu mỏ, than đá, điện… nhưng ngành khí đang có sự phát triển mạnh mẽ. Năng lượng khí đang được sử dụng chủ yếu cho phát điện (khoảng 88%), sản xuất phân bón (7%), số lượng còn lại được sử dụng cho các ngành sản xuất khác. Điểm ưu việt nhất khi sử dụng khí làm chất đốt thay các nguồn khác là lượng phát thải khí tương đối thấp, chỉ bằng khoảng 1/3 than đá.
Việc khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khí thời gian qua đã mang lại nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao. Dự kiến, đến năm 2015, nhu cầu về khí của nước ta sẽ vào khoảng 13 tỷ m3/năm, đến năm 2020 là 15 tỷ m3 còn đến năm 2025 là trên 17 tỷ m3. "Với nhu cầu lớn như vậy, nếu không xây dựng được một thị trường ngành khí phát triển ổn định và hiệu quả, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu một lượng khí đốt cực lớn" – Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ.
Báo cáo "Xây dựng khung phát triển ngành khí Việt Nam" của Ngân hàng Thế giới (WB) được xây dựng nhằm mục đích phân tích các chính sách của chính phủ và chiến lược phát triển năng lượng trọng tâm để đề xuất các giải pháp giúp Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát triển ngành khí một cách tốt nhất. Báo cáo cũng kêu gọi thiết lập một khung giá ổn định để có thể hỗ trợ việc xây dựng sản xuất và hạ tầng ngành khí.
Một trong những điểm vướng mắc nhất trong phát triển ngành khí Việt Nam hiện nay là sự chậm trễ của các dự án khí. Ông Roland Priddle – Ngân hàng Thế giới – tác giả báo cáo cho rằng: "Có 3 điểm vướng mắc khiến các dự án khí ở Việt Nam thường chậm hơn so với dự kiến là giá; trữ lượng; cơ cấu và quản lí ngành". Cụ thể, mức giá khí hiện không ổn định do phương pháp định giá không rõ ràng, không khuyến khích được các nhà đầu tư tư nhân tham gia.
Bên cạnh đó, việc đánh giá, tìm kiếm, khai thác để chuyển đổi nguồn tài nguyên này sang các nguồn dự trữ còn hạn chế, khiến cho nguồn cung không ổn định. Ngoài ra, dù 88% lượng khí hiện nay được phục vụ cho nhu cầu phát điện nhưng hai ngành này vẫn chưa phối hợp hiệu quả với nhau.
Theo báo cáo này, để phục vụ nhu cầu về khí thời gian tới, cần tăng gấp 3 lần số lượng mỏ khai thác, kể cả các mỏ ở phía Bắc. Bởi lẽ hiện nay, nguồn cung từ khí vẫn chỉ tập trung ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, để thực sự mang lại hiệu quả rõ rệt ngay ở "địa bàn" của khí này vẫn cần một hạ tầng đường ống liên kết tốt hơn và một thị trường cạnh tranh mạnh mẽ.
Do vậy, điều quan trọng là phải mở rộng mạng lưới đường ống ngoài khơi và phát triển đường ống chính trên đất liền để kết nối với các trung tâm khí lớn của cả nước. Nếu thực hiện thành công, việc này sẽ mang lại hiệu quả vô cùng lớn bởi sẽ tạo tiền đề để xây dựng một mạng lưới phân phối khí hiệu quả ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Tuy nhiên, đây cũng là một quá trình đòi hỏi rất nhiều vốn và cần sự chung sức của các nhà đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, cần cải tổ các ngành sử dụng khí nếu phù hợp đồng thời phát triển các nguồn khí phi truyền thống, bao gồm cả các nguồn cung khí từ các mỏ than trên đất liền.
"Để phối hợp giữa các cơ quan quản lí và doanh nghiệp hiệu quả, các thể chế cần được xây dựng song hành với nhau. Các hoạt động thượng nguồn (bao gồm tìm kiếm, thăm dò và khai thác khí và dầu) cần được điều tiết bởi một đơn vị chuyên trách. Do vậy thời gian tới, Bộ Công Thương có thể thành lập thêm một Cục Dầu khí. Các nước có ngành khí và dầu lớn trên thế giới đều có bộ phận này với chức năng xây dựng chính sách và điều phối. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ giữ vai trò chủ chốt là một công ty thương mại trong ngành và sẽ sở hữu, quản lí vốn sở hữu của nhà nước trong các dự án khí" – ông Roland Priddle chia sẻ.
Sự tăng trưởng của khí tự nhiên trong nền kinh tế đòi hỏi phải có những thay đổi đáng kể trong cách thức định giá và phân bổ khí trên thị trường năng lượng của Việt Nam. Mục tiêu chiến lược của Chính phủ là đẩy mạnh phát triển ngành khí có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu và hài hòa với quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Với mục tiêu này, Bản báo cáo cho rằng ngành khí Việt Nam cần một quá trình chuyển tiếp theo giai đoạn và cần cân nhắc cẩn trọng để xây dựng một thị trường khí cạnh tranh. Do hiện nay, giá khí được thỏa thuận theo từng trường hợp giữa các cơ quan của Chính phủ và các công ty khai thác ngoài khơi nên bước quan trọng tiếp theo là phải xây dựng một khuôn khổ định giá chung để tạo cơ sở vững chắc cho các nhà đầu tư (mức giá này chủ yếu sẽ liên quan đến giá điện sản xuất tại các nhà máy điện mới sử dụng nguồn than đá nhập khẩu).
Về dài hạn, khuôn khổ định giá sẽ mở đường cho thị trường khí cạnh tranh phát triển. Lúc đó, khí quốc tế và khí nội địa sẽ phải cạnh tranh với nhau để giành thị phần như đang diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế mà thị trường khí đã phát triển.
"Ngành khí Việt Nam có tiềm năng lớn và có thể hiện thực hóa vào năm 2025 nếu các cơ quan nhà nước và đối tác tư nhân tích cực phối hợp với nhau. Kết quả sẽ tạo ra một ngành khí có mức giá hợp lí, chất lượng dịch vụ cao; tạo cơ hội kinh doanh đem lại lợi nhuận và bền vững cho các nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài" – ông Roland Priddle khẳng định. (Theo VEN 17/11, Mục Công nghiệp)