Việc đáp ứng nhu cầu khí phục vụ các ngành điện, công nghiệp, giao thông, thương mại và dân dụng của cả nước đang không ngừng tăng cao trong các năm qua là nhiệm vụ hết sức quan trọng và khó khăn mà Tổng Công ty Khí Việt Nam đang nỗ lực hoàn thành và hoàn thành vượt mức, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Để tìm hiểu rõ hơn về hiện thực và triển vọng cung cấp khí phục vụ nền kinh tế quốc dân, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với ông Đỗ Khang Ninh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Xin giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc trao đổi này.
1/ Hỏi: Xin ông cho biết tình hình cung cấp khí của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas hiện nay?
Trả lời: PV Gas có hai hệ thống đường ống dẫn khí: 1 ở miền Đông Nam bộ và 1 ở miền Tây Nam bộ. Sản lượng khí khu vực Tây Nam bộ hiện đạt khoảng 5,8 triệu m3/ngày, khu vực Đông Nam bộ khoảng 22,5 triệu m3/ngày, trong đó, khí từ bể Nam Côn Sơn khoảng 19,5 triệu m3/ngày, khí khô từ bể Cửu Long khoảng 3,5 triệu m3/ngày. Theo chỉ đạo của Chính phủ và Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam, để đảm bảo an ninh lương thực và an ninh năng lượng Quốc gia, lượng khí này được ưu tiên cấp cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ, các nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), BOT và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power). Hiện nay, do đang là mùa khô nên nhu cầu khí của các nhà máy điện rất cao. Theo đó, với sản lượng khí hiện tại thì lượng khí thiếu hụt so với nhu cầu của các hộ tiêu thụ khoảng từ 3-6 triệu m3/ngày.
2/ Hỏi: Với các nguồn khí chuẩn bị khai thác trong những năm tới có đáp ứng được nhu cầu khí của các khách hàng hay không?
Trả lời: Ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với an ninh năng lượng và an ninh lương thực Quốc gia, Tổng Công Ty Khí Việt Nam nói riêng và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nói chung đang nỗ lực tìm kiếm và phát triển các nguồn khí mới như Lô B, Hải Thạch - Mộc Tinh, Thiên Ưng, Chim Sáo… Tuy nhiên, nhu cầu khí sẽ ngày càng tăng cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Dự kiến PV Gas chỉ có thể đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu của khách hàng.
3/ Hỏi: Trong tình hình nhu cầu khí vượt quá khả năng cung cấp như hiện nay, xin ông cho biết Tổng Công ty Khí Việt Nam đã có những biện pháp giải quyết như thế nào trong ngắn hạn và dài hạn?
Trả lời: Trước những khó khăn về nguồn khí, hiện nay, Tổng Công ty Khí Việt Nam đang khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trước mắt, PV Gas sẽ huy động tối đa nguồn khí trong nước, tối ưu hóa công tác bảo dưỡng sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn hệ thống cấp khí, giảm thiểu thời gian bảo dưỡng sửa chữa ảnh hưởng đến việc cấp khí. Về dài hạn, PV Gas đang khẩn trương thực hiện các dự án đưa khí về bờ như đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 để nâng sản lượng khí nội địa cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, PV Gas đang tích cực triển khai dự án nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để có thể chấm dứt tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp khí như hiện nay, đảm bảo cung cấp khí đầy đủ và ổn định trong tương lai.
4/ Hỏi: Theo trình bày của ông, giải pháp khả thi để đáp ứng nhu cầu khí về lâu dài là phát triển dự án Nhập khẩu LNG. Ông có thể cung cấp một số thông tin về dự án này? Ông có thể cho biết các thuận lợi và khó khăn khi triển khai dự án nhập khẩu LNG? Với các khó khăn đó, PV Gas có kiến nghị gì với cấp trên và Chính phủ để đạt được mục tiêu đã đề ra?
Trả lời: Dự án Nhập khẩu LNG của Tổng Công ty Khí Việt Nam đang triển khai bao gồm 2 phần:
Phần 1: Kho LNG qui mô nhỏ 1 triệu tấn/năm. Hiện nay, PV Gas đang hoàn thiện công tác lập dự án đầu tư xây dựng công trình và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2013.
Phần 2: Tổng kho LNG qui mô lớn: Tổng Công ty Khí Việt Nam đang song song triển khai phần 2 của dự án với qui mô từ 5 đến 10 triệu tấn/năm.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, PV Gas đang thực hiện bước lựa chọn địa điểm cho Tổng kho LNG. Các địa điểm đang được xem xét, đánh giá nằm trong khu vực miền Nam và Phương án lựa chọn địa điểm sẽ được PVN/PV Gas trình Chính phủ vào tháng 4/2011.
Sau khi có phê duyệt về phương án lựa chọn địa điểm, PV Gas sẽ triển khai ngay công tác lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình PV Gas triển khai dự án Nhập khẩu LNG hiện chúng tôi đang gặp phải là:
Thuận lợi:
Là một Tổng Công ty chuyên ngành về Khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, PV Gas nhận được sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đối với dự án nhập khẩu LNG. PV Gas hiện đang sở hữu mạng tuyến ống vận chuyển và phân phối khí ở miền Đông và Tây Nam bộ. Mạng tuyến ống này cũng sẽ được sử dụng để vận chuyển và phân phối LNG. Thêm vào đó, PV Gas có một đội ngũ CBCNV có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khí, đã từng tham gia nhiều công trình trọng điểm của ngành công nghiệp khí của quốc gia. Trong khi đó, nhu cầu khí ngày càng tăng cao, nguồn khí trong nước còn hạn chế. Đây là nền tảng để PV Gas quyết định mạnh dạn đầu tư vào dự án Nhập khẩu LNG.
Giá LNG cạnh tranh hơn so với DO (dầu diesel - sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ), FO (Fuel Oil - dầu thô chưa chưng cất), hoặc LPG. Chi phí đầu tư, bảo dưỡng và duy tu các hộ tiêu thụ, các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu LNG thấp hơn so với nhà máy điện sử dụng nhiên liệu DO/FO hoặc nhà máy điện vận hành bằng than. Và đặc biệt, việc sử dụng nhiên liệu khí có tính an toàn vệ sinh môi trường, tiết kiệm chi phí khắc phục hậu quả về môi trường vượt trội so với các nhà máy sử dụng nhiên liệu DO/FO và than.
Khó khăn:
Do nhập khẩu LNG có qui mô lớn, nên đòi hỏi PV Gas phải đầu tư cơ sở hạ tầng về cảng, kho chứa có vốn đầu tư lớn. Cảng phải là cảng nước sâu, đủ tiêu chuẩn để tàu lớn ra vào cảng an toàn, gần mạng tuyến ống vận chuyển và phân phối khí hiện hữu, đảm bảo an toàn hàng hải. Vì vậy, việc lựa chọn và xác định địa điểm đầu tư kho/cảng LNG là vô cùng quan trọng và phải được tính toán kỹ càng. Qui hoạch cảng biển hiện nay chủ yếu nhằm mục đích phục vụ cho cảng Container, chưa có qui hoạch cảng biển cho cảng LNG. Do vậy, để có thể lập dự án đầu tư xây dựng công trình kho/cảng LNG, PVN/PV Gas cần sự phê duyệt của Chính phủ cho báo cáo lựa chọn địa điểm và qui hoạch cảng LNG.
Về mặt giá khí, LNG nhập về có giá cao hơn nhiều (khoảng 2 - 3 lần) so với giá khí trong nước hiện tại đang bán cho các hộ tiêu thụ điện, đạm. Vì vậy trước mắt, LNG nhập về sẽ ưu tiên cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và các nhà máy điện chấp nhận được giá này. Về lâu dài, để đảm bảo có đủ khí cung cấp cho các nhà máy điện, đạm cũng như các nhu cầu khác, trong khi nguồn khí trong nước đang thiếu hụt, giá khí bán trong nước sẽ phải dần được quân bình với mặt bằng giá khí thế giới.
Mặc dù có những thuận lợi và những khó khăn nhất định, song PV Gas vẫn tin tưởng rằng dự án nhập khẩu LNG sẽ được triển khai, sớm hoàn thành, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước. PV Gas rất mong nhận được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các Bộ, Ban ngành, địa phương trong việc phê duyệt báo cáo lựa chọn địa điểm mà PVN/ PV Gas sẽ trình vào tháng 5/2011 để PV Gas sớm hoàn thành dự án nhập khẩu LNG này.
5/ Hỏi: Thời gian vừa qua có thông tin Nhà máy điện Hiệp Phước xin tăng giá điện do không có đủ khí cấp, vậy ông có thể cho biết thêm về khả năng cung cấp khí cho Nhà máy điện Hiệp Phước?
Trả lời: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc ưu tiên cấp khí cho sản xuất điện của EVN, PV Power và đạm, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực Quốc gia, PV Gas đã nỗ lực tối đa để cung cấp khí cho nhà máy Đạm Phú Mỹ và các nhà máy điện của EVN, BOT và PV Power.
Theo phương án đầu tư ban đầu trong dự án đầu tư do chủ đầu tư lập được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Nhà máy điện Hiệp Phước sử dụng nhiên liệu đầu vào là dầu FO, không phải là khí. Hợp đồng cấp khí giữa PV Gas và Hiệp Phước là hợp đồng không ràng buộc trách nhiệm. Từ tháng 5/2010, do nhu cầu khí cho phát điện của EVN tăng cao, trong khi nguồn cung cấp khí trong nước bị hạn chế, nên PV Gas, mặc dù rất nỗ lực nhưng hiện tại không thể cân đối được nguồn khí cho Nhà máy điện Hiệp Phước.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc cung cấp khí cho nhà máy điện Hiệp Phước, PV Gas và Công ty TNHH Nhiệt điện Hiệp Phước đã tổ chức nhiều cuộc gặp cấp cao. Ngày 7/7/2010 hai bên đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc PV Gas sẽ cung cấp khí nhập khẩu cho nhà máy điện Hiệp Phước khi PV Gas có LNG từ nguồn nhập khẩu.
Xin cảm ơn ông.