Diễn tập phương án chữa cháy phối hợp nhiều lực lượng cấp Bộ Công an tại Trung tâm phân phối khí Cà Mau
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, ngày 24/6/2011, Tổng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự an toàn xã hội (TTATXH) phối hợp cùng Tổng Công ty khí Việt Nam (PV Gas) đã tổ chức diễn tập phương án chữa cháy phối hợp nhiều lực lượng tại Trung tâm phân phối khí Cà Mau, thuộc công trình đường ống dẫn khí PM3 – Cà Mau với sự tham gia của 23 lực lượng, 238 cán bộ chiến sỹ tham gia của các đơn vị trên địa bàn tỉnh Cà Mau và 5 tỉnh miền Tây bao gồm: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ và Kiên Giang.
Tham dự buổi diễn tập, về phía Bộ Công an có Thiếu tướng Lâm Minh Chiến – Tổng Cục Phó Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTATXH, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc diễn tập; Thiếu tướng Trần Anh Dũng – Tổng Cục Phó Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTATXH, đại tá Đỗ Văn Sơn – Cục Trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH), đại tá Nguyễn Mạnh Hội – Cục Phó Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Trưởng Ban Chỉ huy cuộc diễn tập; đại diện lãnh đạo các cục nghiệp vụ thuộc Tổng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTATXH; đại diện Ban Giám đốc Công an tỉnh của 5 tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ và Kiên Giang; đại diện các Phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ của 18 tỉnh phía Nam. Về phía Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, có đồng chí Dương Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thượng tá Phạm Thành Sỹ - Phó Giám đốc Công an tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành và Công an các cấp. Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng – Uỷ viên Hội đồng thành viên Tập đoàn, ông Đỗ Khang Ninh – Tổng Giám đốc PV Gas, đồng chí Nguyễn Quốc Huy – Phó tổng giám đốc PV Gas, đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc PV Gas.
Tại địa điểm Trung tâm phân phối khí Cà Mau, Khu công nghiệp Khí Điện Đạm Cà Mau, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, cuộc diễn tập đặt ra tình huống sự cố xảy ra vào hồi 9 giờ ngày 24/06/ 2011. Lúc này áp suất đầu ra LFS (trạm tiếp bờ) là 56 barg (đầu vào tuyến ống bờ), áp suất đầu vào GDC (Trung tâm phân phối Khí Cà Mau) là 45 barg, 2 Nhà máy Điện đang chạy với lưu lượng tối đa 260 KSm3/giờ, nhiệt độ bên ngoài là 250C (bằng nhiệt độ của dòng khí tại đầu vào GDC). Trong khi xe múc đang thi công đào đất để nối cáp quang truyền dữ liệu từ LFS và GDC tại KP 26 + 500 thì xe bị lún sụt do gặp nền đất yếu. Sau đó, xe bị nghiêng, làm cho gàu của xe múc va vào đường ống gây nứt đường ống dạng vết chém có diện tích 16 cm2. Khí thoát ra ngoài gặp tia lửa do ma sát giữa gàu múc và đường ống bắt cháy ngay lập tức, tạo thành ngọn đuốc lửa cao 40 mét, với nhiệt độ trong trung tâm vùng cháy đạt tới gần 2000 0C. Lái xe múc bị bỏng nặng, cố gắng bò ra xa ngọn lửa một khoảng 23 mét thì bị ngất xỉu. Xe múc bị đốt nóng, làm cho dầu và nhớt tràn ra ngoài và bắt cháy. Bức xạ của ngọn lửa ngày càng cao, đe doạ trực tiếp đến các thiết bị bên cạnh như van dừng khẩn cấp UV 6005, UV 6002, thiết bị nhận thoi (pig). Diện tích vùng bức xạ là 3316 m2.
Lực lượng ứng cứu khẩn cấp của Công ty Khí Cà Mau đã triển khai làm mát đám cháy bằng 8 đường vòi A, 2 lăng giá cố định và hệ thống phun sương làm mát. Tuy nhiên, đám cháy vẫn cháy mạnh, đe doạ trực tiếp lên các thiết bị bên cạnh và các thiết bị này có nguy cơ bị bục, vỡ dẫn đến nổ do nhiệt độ cao làm biến dạng các cấu kiện thiết bị bằng kim loại. Do đó, Công ty Khí Cà Mau đã phát tín hiệu yêu cầu giúp đỡ đến Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC66 Cà Mau)- Công an tỉnh Cà Mau, và các đơn vị bạn như: Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau, Công an thành phố Cà Mau để tập trung làm mát và xử lý bước đầu đám cháy.
Chỉ huy lực lượng chữa cháy lúc này là Lãnh đạo phòng PC66 Cà Mau nhận định: với lực lượng hiện tại vẫn không đủ khả năng để xử lý đám cháy, nên đã báo cáo Lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH để nhờ chi viện thêm lực lượng. Cục Trưởng Cục PCCC và CNCH đã yêu cầu Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH các địa phương chi viện cho Cà Mau. Lực lượng các tỉnh chi viện như sau: Bạc Liêu (2 xe chữa cháy), Sóc Trăng (2 xe chữa cháy), Cần Thơ (2 xe chữa cháy), Kiên Giang (2 xe chữa cháy), Hậu Giang (1 xe chữa cháy). Sau khi tập hợp đầy đủ lực lượng thì chỉ huy chữa cháy (lúc này là Cục Cảnh sát PCCC & CNCH) quyết định triển khai đội hình và dập tắt đám cháy. Tổng thời gian từ khi bắt đầu cháy đến khi dập tắt được đám cháy là 4 giờ. Cuộc diễn tập diễn ra trọn vẹn, với sự phối hợp đồng bộ, đạt kết quả diễn tập theo đúng kế hoạch. Sau buổi diễn tập, các bên liên quan cùng các lực lượng phối hợp đã họp rút kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với công trình khí và công tác chỉ huy, phối hợp nhiều lực lượng trong suốt buổi diễn tập nhằm tăng cường sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả hơn nữa trong công tác đảm bảo an toàn PCCC.
Cuộc diễn tập nhằm mục đích nâng cao ý thức về công tác PCCC đối với CBCNV Trạm Phân phối khí Cà Mau cũng như toàn thể CBCNV Công ty KCM, các lực lượng PCCC và CHCN trong khu vực; rà soát công tác sẵn sàng ứng cứu trong quá trình hoạt động sản xuất, tăng cường khả năng thường trực, sẵn sàng chữa cháy của lực lượng, phương tiện PCCC cơ sở; góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và công tác phối hợp tác chiến giữa lực lượng Cảnh sát PCCC và các cơ quan, đơn vị có đội PCCC chuyên trách trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói riêng, 5 tỉnh miền Tây nói chung trong việc tham gia xử lý các tình huống cháy nổ lớn xảy ra tại các cơ sở Dầu khí.
Trong những năm qua, công tác tổ chức huấn luyện, tăng cường củng cố đội ngũ PCCC tại chỗ của cơ sở được đặc biệt chú trọng. Tổng Công ty và các đơn vị thành viên đã phối hợp với Trường đại học PCCC, Cục Cảnh sát PCCC & Cứu nạn cứu hộ, Công an các địa phương và chuyên gia nước ngoài tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho CBCNV, bảo đảm 100% CBCNV đều được huấn luyện về PCCC.
Sau buổi diễn tập, đại diện Bộ Công an và Tổng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự an toàn xã hội đã trao bằng khen cho các đơn vị tham gia diễn tập, có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ an ninh, an toàn các công trình Dầu khí trên địa bàn.