PV Gas và Olympic vật lý quốc tế lần thứ 39
Ngày 28/07/2008, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hội thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã bế mạc sau 7 ngày tranh tài.
Đây là một sự kiện lớn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo Việt Nam với những thành công rực rỡ, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Petrovietnam Gas, một trong những nhà tài trợ lớn của Hội thi.
Cuộc thi lần này có sự tham gia của gần 400 học sinh vật lý trung học xuất sắc nhất đến từ 82 nước và vùng lãnh thổ, được ghi nhận với số nước tham dự đông nhất trong vòng 39 năm qua. Hầu hết các chuyên gia và thí sinh quốc tế đã thừa nhận: Đề thi vật lý IphO 2008 do nước chủ nhà Việt Nam xây dựng đạt đẳng cấp quốc tế, đòi hỏi một tốc độ tư duy rất nhanh và sự sáng tạo của thí sinh, đặc biệt là rất thú vị vì các bài toán vật lý được bao bọc dưới vẻ đẹp độc đáo của văn hóa Việt Nam (câu hỏi về chày giã gạo bằng sức nước, câu hỏi về xe đạp...)
Khác với những tấm huy chương hình tròn và mặt phẳng đơn giản, IPhO 2008 năm nay có mẫu huy chương hết sức độc đáo và mới lạ: Hình cánh hoa lượn tròn bên ngoài viền độc đáo và đặc sắc. Theo PGS Hoạ sỹ Trần Việt Sơn - người thiết kế mẫu huy chương cho IPhO 2008 lần này thì đây là mẫu sáng tác hoàn toàn mới, ngay cả trên thế giới cũng chưa từng áp dụng.
Trong số hàng trăm thí sinh tham dự, có 46 em đoạt Huy chương Vàng, 47 học sinh đoạt Huy chương Bạc, 78 học sinh đoạt Huy chương Đồng và 87 học sinh đoạt Bằng khen. Học sinh đạt kết quả thi cao nhất là Longzhi Tan người Trung Quốc với 44,6 trên tổng số 50 điểm (20 điểm thực hành và 30 điểm lý thuyết). Longzhi Tan cũng đồng thời giành Giải thưởng dành cho thí sinh đoạt điểm thi lý thuyết cao nhất. Giải thưởng dành cho thí sinh đoạt điểm thi thực hành cao nhất thuộc về Yi-Shu Wei, thí sinh Đài Loan (đạt điểm tuyệt đối: 20/20 điểm).
Trung Quốc, Đài Loan cùng có 5 học sinh đoạt Huy chương Vàng; tiếp đến là Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam cùng có 4 học sinh đoạt Huy chương Vàng... Đây vẫn là các quốc gia luôn chiếm vị trí dẫn đầu trong các kỳ IPhO thế giới.
Thành tích của đoàn học sinh Việt Nam thật đáng tự hào. Những thí sinh đoạt huy chương vàng là: Nguyễn Đức Minh (trường THPT Amsterdam, Hà Nội), Đỗ Hoàng Anh (chuyên lý lớp 12, trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội); Huỳnh Minh Toàn (trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng), Nguyễn Tất Nghĩa (trường chuyên THPT Phan Bội Châu, Nghệ An). Thí sinh Trần Anh Vũ (trường THPT dân lập Đào Duy Từ, Hà Nội) đạt huy chương đồng. Như vậy, kể từ khi tham gia các kỳ thi IPhO từ năm 1982, năm nay đoàn VN đoạt nhiều huy chương nhất.
Trong dịp IPhO này, có nhiều nhà khoa học Vật lý quốc tế và Việt kiều là những tên tuổi lớn trong làng Vật lý thế giới như GS-TS Trần Thanh Vân (Đại học Paris), GS Trương Nguyên Trân (Đại học Bách khoa Paris), TS Nguyễn Thị Quê Hương (Đại học Marshall University, Hoa Kỳ), TS Phan Lê Kim (Đại học Twente, Hà Lan), GS Đàm Thanh Sơn (Đại học Washington - Seatle, Hoa Kỳ),... cùng về hội tụ, tham gia dịch và trình bày đề thi tại Hội đồng Quốc tế của IPhO 2008. “Cùng với đất nước và con người Việt Nam thân thiện và mến khách, các đề thi của IPhO 2008 sẽ khắc ghi dấu ấn trong lòng bè bạn quốc tế về một kỳ thi đặc sắc đã diễn ra tại Việt Nam” – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39 năm 2008 (IPhO 2008) đã nhấn mạnh như vậy trước giờ bế mạc.
Ban tổ chức cũng đã mời GS Friedman, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1990, đến giao lưu, nói chuyện với các thí sinh và nhà khoa học. Ông đã có buổi thuyết trình với các học sinh, sinh viên và nhà khoa học vào tối 25/7 về vật lý hạt nhân và vật lý vũ trụ.
Với sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành liên quan và đặc biệt là sự đưa tin, cập nhật liên tục và kịp thời của các cơ quan truyền thông, Olympic Vật lý quốc tế đã được sự quan tâm theo dõi của đông đảo quần chúng về một sự kiện giáo dục đào tạo lớn của Việt Nam năm nay. Đây cũng là sự khẳng định một bước chuyển mình của nền giáo dục Việt Nam, hòa nhập với biển tri thức thế giới. Với IPhO 2008, Việt Nam để lại dấu ấn như một diễn đàn sôi động và bổ ích về vật lý trên thế giới.
Với mục tiêu vì sự phát triển bền vững, những năm qua, PV GAS luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ủng hộ các hoạt động xã hội mang tính cộng đồng. Với IphO 2008, PV GAS tự hào là một trong số các nhà đồng tài trợ tích cực nhất, hỗ trợ cho một hoạt động giáo dục xã hội nhằm phát triển tri thức trẻ, vì một thế giới tốt đẹp với tương lai tươi sáng và thân thiện. PV Gas đã góp sức chắp cánh cho những cánh chim vật lý trẻ Việt Nam bay ra biển lớn.