Một ngày trên hành lang an toàn đường ống dẫn khí
Một ngày làm việc bình thường, nhưng cũng là một ngày trong chuỗi dài không ngưng nghỉ của công tác bảo vệ công trình khí của PV GAS. Xin giới thiệu một bài viết về chuyến đi thực tế ở NCSP để thấy được nhịp sống lao động khẩn trương và trách nhiệm của những người lao động ngành Công nghiệp Khí.
Hợp doanh Đường ống Nam Côn Sơn hiện bao gồm 3 đối tác: Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) – Nhà điều hành, Công ty đường ống Rosneft và Công ty Dầu khí Perenco. Để bảo đảm công tác điều hành đường ống khí Nam Côn Sơn, từ năm 2007, PV Gas đã thành lập Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn (Tiếng Anh là Nam Con Son Pipeline). Nam Con Son Pipeline (NCSP) hiện cung cấp khoảng 20 triệu m3 khí/ngày đêm nhằm đáp ứng khoảng 30% tổng sản lượng điện tiêu thụ của cả nước. Tôi đã có dịp tham gia hành trình khảo sát thực địa hành lang an toàn tuyến ống khí Nam Côn Sơn cùng các cán bộ và nhân viên giám sát an ninh và an toàn Công ty Đường ống Khí Nam Côn Sơn. Một ngày làm việc trên hành lang tuyến ống, chúng tôi càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, an toàn dầu khí đối với đường ống khí trên bờ thuộc công trình hệ thống đường ống khí Nam Côn Sơn.
Để bảo đảm cung cấp khí thông suốt và liên tục cho nền kinh tế đất nước, PV GAS nói chung, NCSP nói riêng không được phép để xảy ra bất cứ sự sơ suất nào trong công tác vận hành đường ống dẫn khí, nhà máy chế biến khí, cũng như các công tác vận chuyển khí, trong suốt 24h mỗi ngày. Bất kỳ nhân viên nào, từ bảo vệ, nhân viên văn phòng, kỹ sư công nhân vận hành sửa chữa cho đến lãnh đạo công ty đều thuộc lòng những nguyên tắc an toàn và thực hiện nghiêm những quy định trong chức trách của mình. Chúng tôi cảm nhận rõ điều này ngay từ khi bước chân đến cổng nhà máy khí Nam Côn Sơn thuộc Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn. Việc đầu tiên của chúng tôi là được yêu cầu xuống xe, tắt máy, đến phòng bảo vệ thực hiện đầy đủ các thủ tục. Sau khi chụp lại giấy tờ tùy thân của khách, nhân viên bảo vệ “khám” và ghi chép kỹ các thiết bị phục vụ tác nghiệp của chúng tôi như: máy ảnh, máy quay phim, laptop, điện thoại cầm tay. Xong mọi thủ tục, họ phát cho chúng tôi mỗi người một chiếc thẻ đeo và giấy giới thiệu để gặp và xác nhận với lễ tân. Trước khi mở cổng cho xe của chúng tôi, người bảo vệ không quên nhắc lái xe chỉ được phép chạy ở tốc độ 25km/h. Đến phòng lễ tân, chúng tôi được xem băng video giới thiệu đường ống Nam Côn Sơn và những nguyên tắc bảo đảm an toàn khi thăm quan, làm việc trong khuôn viên nhà máy. Tất cả các cửa ra vào khu làm việc đều có hệ thống khóa từ, khách không thể tự ý ra vào khi chưa được phép. Dù phải mất thời gian thực hiện nhiều thủ tục vào cổng, nhưng chúng tôi không hề có cảm giác khó chịu bởi thái độ nhẹ nhàng, cử chỉ thân thiện của các nhân viên NCSP.
Gần 10 giờ, chúng tôi bắt đầu chuyến thực địa kiểm tra hành lang đường ống khí. Cánh nhà báo chúng tôi không được mang theo bất cứ vật dụng gì trừ chiếc máy ảnh, máy quay phim (đã đăng ký) và thay đồ bảo hộ lao đồng tùy theo mức độ, mục đích và vị trí nơi khảo sát nhằm bảo đảm các quy định về an ninh và an toàn.
Chiếc xe bán tải hai cầu chạy bon bon trên tỉnh lộ 44 hướng đến mũi Kỳ Vân, dừng lại trước trạm van Long Hải. Bước xuống xe, anh Nguyên Vũ – người kỹ sư được NCSP cử hướng dẫn chúng tôi đưa tay hướng ra biển nói: “Đây là điểm tiếp bờ kết nối giữa hệ thống đường ống dưới biển và trên bờ. Khí được đưa qua trạm van Long Hải trước khi chuyển đến nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn". Theo giới thiệu của anh Vũ, đường ống khí Nam Côn Sơn bắt đầu từ giàn Lan Tây, Lô 06.1 và kết thúc ở điểm tiếp bờ là khu vực mũi Kỳ Vân (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền). Tổng chiều dài đường ống ngoài khơi là 362km, đường kính 664,04mm, áp suất tối đa 157 barg (đơn vị đo thang áp suất). Phần trên bờ bắt đầu từ mũi Kỳ Vân và kết thúc tại trạm van Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ 1, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành), có tổng chiều dài 38,9km, trong đó có khoảng 1km hành lang với chiều ngang khoảng 50m (sau khi đã mở rộng từ năm 2001). Từ điểm tiếp bờ Long Hải qua khỏi trạm van Long Hải thì hành lang chỉ còn 25m chạy dọc theo 12 phường, xã, thị trấn gồm: thị trấn Long Hải, xã Phước Hưng, xã An Ngãi (huyện Long Điền); các phường: Phước Trung, Long Hương, Kim Dinh (TP. Bà Rịa); Các xã: Tân Hải, Tân Hòa, Tân Phước, Phước Hòa, thị trấn Phú Mỹ (huyện Tân Thành). Trên hệ thống HLAT này có 3 đường ống khí gồm: Nam Côn Sơn, Bạch Hổ và đường ống LPG (khí hóa lỏng).
Tại trạm van Long Hải, sau khi kiểm tra kỹ các van an toàn, hệ thống tuyến ống nổi, ống chìm và thiết bị vận hành, các kỹ sư còn kiểm tra cả phòng làm việc của nhân viên bảo vệ. Phát hiện danh bạ điện thoại tại phòng bảo vệ có một vài số không còn sử dụng nữa nhưng chưa cập nhật kịp thời, anh Lê Xuân Minh, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn yêu cầu nhân viên gỡ xuống để cập nhật danh bạ mới và nhắc nhở: “Đừng coi thường việc nhỏ đó, đến khi có sự cố xảy ra không gọi được cho người có trách nhiệm xử lý, chậm trễ một vài giây cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường”.
Rời trạm van, chúng tôi bắt đầu hành trình dọc theo hành lang an toàn (HLAT) của tuyến đường ống từ Long Hải đến Dinh Cố. Đoạn đường ống này có chiều dài 8,2km, đường kính 660,4mm, chiều sâu chôn ống từ 0,9m - 1,4m, áp suất làm việc tối đa 130 barg. Chiếc xe bán tải 2 cầu lắc lư chậm chạp qua nhiều đoạn đường gập ghềnh. “Sao không trải nhựa trên HLAT?” - tôi tò mò hỏi. “Không nên chị ạ, vì nếu trải nhựa thì xe tải sẽ chạy không kiểm soát, đường sẽ nhanh xuống cấp và nguy cơ mất an toàn rất cao” – anh Vũ đáp nhanh. Qua quan sát, chúng tôi thấy sát dọc hai bên HLAT có khá nhiều nhà dân, chuồng nuôi súc vật và các công trình phụ khác. Người dân xem HLAT đường ống khí như đường giao thông, vì vậy, hàng ngày có khá nhiều loại xe qua lại, nhiều rác thải tập kết trên hành lang. “Sợ nhất là các đơn vị thực hiện công trình đào đường lắp đặt ống cấp, thoát nước, hệ thống điện. Đây là nguy cơ mất an toàn rất cao. Mỗi lần thấy xe công trình đi ngang qua HLAT là tụi tôi phải bám theo ngay” – anh Vũ cho biết. Đang ngồi trên xe, nhìn thấy bên lề hành lang có những đống củi, những ụ rơm khô hay vài vật dụng dễ cháy như: thùng catton, nệm mút..., các nhân viên an toàn liền dừng xe, bước xuống quan sát và ghi lại địa điểm để về nhắc nhở các cộng tác viên hành lang tuyến ống dọn dẹp. Họ làm việc này hết sức tỉ mỉ và thận trọng.
Nguyên Vũ cho biết, các hộ dân sống dọc hành lang tuyến ống khi cần xây dựng công trình đều thực hiện đúng các thủ tục quy định: viết đơn gửi lên Chính quyền sở tại cùng 2 đơn vị quản lý đường ống là Công ty đường ống khí Nam Côn Sơn và Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ (đơn vị trực thuộc PV GAS) để được thẩm duyệt và cấp giấy phép thi công. Đồng thời, họ phải cam kết không vi phạm các quy định về an ninh, an toàn dầu khí. Trong quá trình thi công, nhân viên phụ trách an toàn của 2 đơn vị chủ quản có mặt tại thực địa, căn dây giới hạn khu vực đang thi công và giám sát chặt chẽ. Hiện Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn có 6 cán bộ chuyên làm công tác an toàn, 7 nhân viên bảo vệ đường ống và 32 cộng tác viên giám sát. Hàng ngày, các cộng tác viên chia nhau đi tuần tra tuyến ống 8 lượt, nếu phát hiện bất cứ nguy cơ nào phải báo ngay về công ty để kịp thời xử lý.
Nhờ tổ chức hệ thống bảo vệ chặt chẽ HLAT mà trên tuyến ống dẫn khí của Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn chưa để xảy ra sự cố mất an toàn nào nghiêm trọng. Công tác vận chuyển, vận hành đường ống khí luôn thông suốt, góp phần bảo đảm nhu cầu cungc ấp khí phục vụ sản xuất điện và sản xuất công nghiệp, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia liên tục suốt 12 năm qua.
LAM PHƯƠNG