Ai mua công ty chứng khoán không?
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán nhỏ thành thực thú nhận chỗ “người nhà” rằng mảng chứng khoán giờ như “của nợ” vậy. May mà còn lĩnh vực khác trong “group” lúc này gánh đỡ…
Khi thị trường chứng khoán trở nên ảm đạm trong 4 năm trở lại đây, khó khăn đã khiến nhiều công ty chứng khoán phải bán bớt vốn để tiếp tục tồn tại chờ khi thị trường khởi sắc trở lại. Tuy vậy, không phải công ty nào cũng tìm được đối tác mua.
Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, trong số 105 công ty chứng khoán đang hoạt động đến thời điểm này, đã có đến 61 công ty báo cáo lợi nhuận âm, chiếm hơn một nửa. Trong khi đó, con số này hồi cuối năm 2010 chỉ là 20 công ty. Một số công ty có khoản lỗ lớn như SSI lỗ trên 100 tỉ đồng, Bảo Việt lỗ hơn 80 tỉ đồng, Sacombank-SBS lỗ 159 tỉ đồng…
Nguyên nhân dẫn đến việc thua lỗ vẫn là do thị trường chứng khoán trầm lắng trong suốt năm 2010 và trong nửa năm 2011. Hoạt động tự doanh lỗ, phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán, hoạt động môi giới trì trệ do nhà đầu tư không còn mặn mà, chi phí trả cho mặt bằng, nhân viên, hệ thống công nghệ ngày càng tăng cao... dẫn đến việc thua lỗ của công ty chứng khoán.
Việc thua lỗ đã khiến các công ty chứng khoán phải tìm cách xoay xở và một trong những cách có hiệu quả sớm là bán đi một phần vốn cho các đối tác nước ngoài. Theo ông Đinh Quang Hoàn - Giám đốc tài chính doanh nghiệp Công ty chứng khoán Bản Việt, từ đầu năm 2010 đến nay đã có hơn 20 công ty bán vốn cho đối tác nước ngoài.
Sự thành công của các thương vụ trên là nhờ vào giá chuyển nhượng cổ phần khá thấp, chủ yếu xoay quanh mệnh giá, cộng thêm việc khỏi phải chờ đến đầu năm 2012 để thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, cho nên các đối tác đã không ngại bỏ vốn đầu tư vào công ty chứng khoán.
Một số thương vụ mua bán lớn tính đến hết tháng 3 năm nay là Công ty chứng khoán Hướng Việtchuyển 48,33% cổ phần cho Morgan Stanley (Singapore), Công ty chứng khoán Nhấp và Gọi bán 49% cổ phần cho Công ty Golden Bridge (Hàn Quốc), Công ty chứng khoán Việt Nam bán 49% cho Ngân hàng RHB (Malaysia)…
Trong 6 tháng trở lại đây đã không còn thương vụ mua bán nào được thực hiện. “Với số lượng lên đến 105 công ty chứng khoán như hiện nay, trong khi giao dịch mỗi phiên của 2 sàn chỉ trên 1.000 tỉ đồng thì miếng bánh thị phần môi giới rất nhỏ, dòng vốn mới có vào cũng khó có được lợi nhuận”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán nói. Theo ông Hòan, đây là một trong những nguyên nhân các công ty nước ngoài ngần ngại mua cổ phần chi phối tại công ty chứng khoán.
Tìm đối tác mua từ đầu năm nhưng đến nay một công ty chứng khoán nhỏ có trụ sở tại Hà Nội vẫn không thể bán bớt được cổ phần. Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cho biết đã tìm nhiều nguồn thông tin, từ các đồng nghiệp trong ngành, các quỹ đầu tư, ngân hàng, công ty tư vấn sáp nhập .nhưng đều nhận được câu trả lời là không có đối tác nào muốn mua công ty chứng khoán. Hoạt động kinh doanh thua lỗ nặng đang khiến công ty tiếp tục thu hẹp hoạt động, đóng cửa chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục cầm cự.
Theo ông Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 20 công ty đã chuyển vốn như đề cập trên thì hoạt động của các công ty đã không tạo được điểm nhấn. Chủ yếu các công ty thu hẹp các hoạt động kinh doanh, chú trọng các mảng như tư vấn, phát hành, song trong điều kiện thị trường chứng khoán không thuận lợi thì lượng công ty lên niêm yết, hay phát hành tăng vốn cũng rất ít, dẫn đến việc kinh doanh không mang lại lợi nhuận.
Ông Chí đã chia ra làm 3 loại hình công ty chứng khoán, bao gồm công ty chứng khoán thuộc các ngân hàng, công ty chứng khoán có vốn nước ngoài, và các công ty chứng khoán do các cá nhân tự góp vốn mở ra. Trong đó, loại hình thứ 3 thường có nhu cầu bán vốn nhất, bởi không có được tiềm lực tài chính tốt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chi phí nâng cấp công nghệ ngày càng cao. Tuy vậy, nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ cân nhắc kỹ khi mua các công ty này do công ty làm ăn không hiệu quả, nợ lớn, công nghệ, nhân lực không theo kịp với nhu cầu thị trường…
Thêm vào đó, vị tổng giám đốc công ty chứng khoán nói ở phần trên cũng cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa có nhiều tiến triển tốt, tỷ giá chưa ổn định, lạm phát, lãi suất cao…là các vấn đề khiến cho nhà đầu tư nước ngoài chưa tin vào sự đi lên của thị trường chứng khoán. Họ cho rằng sẽ khó thu hồi nguồn vốn trong vài năm tới sau khi đầu tư vào công ty chứng khoán. (StoxPlus 15/12)