980 tỷ đồng cho công nghiệp phần mềm và nội dung số
Từ năm 2009 đến năm 2012, Chính phủ đầu tư 980 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp được phân bổ thực hiện 18 nhóm nội dung thuộc Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam.
Trong đó, 304 tỷ đồng vốn sự nghiệp sẽ dành cho việc điều tra, khảo sát thu thập thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ thông tin của 63 tỉnh, thành phố; xây dựng thương hiệu quốc gia, xúc tiến đầu tư và phát triển thị trường cho ngành công nghệ này...
Cụ thể, 88,6 tỷ đồng được phân bổ để thúc đẩy phát triển phần mềm mã nguồn mở và 30 tỷ đồng hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ phần mềm và nội dung số. Còn 676 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho 11 dự án gồm cổng thông tin điện tử về công nghiệp phần mềm và nội dung số, xây dựng Quỹ phát triển phần mềm và nội dung số, hệ thống chuẩn thông tin số và chuẩn trao đổi thông tin, xây dựng Khu tổ hợp công nghệ thông tin, hỗ trợ phát triển vườn ươm doanh nghiệp công nghiệp phần mềm và nội dung số...
Xuất phát từ việc giải nguy các doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhưng đảm bảo đồng vốn hiệu quả, chương trình đã tập trung vào nhiều nội dung hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng áp dụng chuẩn CMMi (tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về sản xuất phần mềm của Mỹ, được coi là tấm giấy thông hành khi đi ra thị trường quốc tế) với tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng.
Khác với các Chương trình “bơm” vốn khác, tại Chương trình này quy định rất cụ thể mức hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với dự án hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng áp dụng chuẩn CMMi, mỗi doanh nghiệp tham gia dự án được hỗ trợ kinh phí tư vấn, đào tạo tối đa 15.000 USD.
Trong thời gian thực hiện dự án, mỗi doanh nghiệp được đánh giá đã đạt chứng chỉ CMMI từ mức 3 trở lên sẽ được nhà nước hỗ trợ kinh phí đánh giá theo thực tế nhưng không quá 10.000 USD. Đối với dự án hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp, tuỳ theo từng khoá học, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 50% - 70% chi phí cho khoá học, phần còn lại các đơn vị cử người tham gia khoá học phải tự chi trả.
Qua hai năm đi vào triển khai, Chương trình đã đạt được những mục tiêu nhất định. Đã có hàng nghìn lượt cán bộ công chức trên cả nước được đào tạo, tập huấn về sử dụng phần mềm nguồn mở. Hàng chục doanh nghiệp công nghệ thông tin có cán bộ được đào tạo công nghệ thông tin như kỹ năng lập trình nâng cao, đào tạo theo các chứng chỉ quốc tế, và đào tạo các kỹ năng mềm.
Thông qua dự án Hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMido Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, đã có hơn 20 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu cả nước được tư vấn cải tiến quy trình, dự kiến đến cuối năm 2012 cả nước sẽ có 40 doanh nghiệp tham gia dự án đạt được chứng chỉ có giá trị này.
Được biết, trong năm 2012 tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2015 và tầm nhìn 2020, với nhiều giải pháp đột phá, trong đó có nhiều giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước, nhằm góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin – truyền thông. (Vnmedia 14/12)