Ông Vũ Đình Duy, Tổng giám đốc PVTEX Đình Vũ: Nỗ lực vì tiến độ và chất lượng công trình
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp Polyester tại Hải Phòng là dự án sản xuất xơ polyester đầu tiên của Việt Nam với tổng giá trị đầu tư hơn 300 triệu USD.
Mục tiêu chính của dự án là sử dụng các sản phẩm hoá dầu của PetroVietnam để sản xuất xơ sợi tổng hợp polyester, làm nguyên liệu cho ngành dệt may vốn đang phải nhập khẩu 100%. Phóng viên Tiếng Nói Việt Nam phỏng vấn Thạc sĩ Vũ Đình Duy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTEX), chủ đầu tư dự án.
Ông có thể giới thiệu đôi nét về Công ty Cổ phần PVTEX?
Ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 343/2005/QĐ-TTg về việc quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hoá chất Việt Nam đến năm 2010 (có tính đến năm 2020). Quyết định này chính là cơ sở cho sự hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietNam) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đầu tư dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợ tổng hợp Polyester Đình Vũ.
Ngày 14/2/2008, tại Hà Nội, đại hội đồng cổ đông lần đầu thành lập Công ty CP hoá dầu và xơ sợi tổng hợp Petro Việt Nam-Vinatex Đình Vũ, gồm 23 cổ đông tham gia góp vốn điều lệ. Trong đó có 5 cổ đông sáng lập gồm PetroVietNam (14%), Vinatex (14%), Tổng công ty Phong Phú (5%), Công ty Cổ phần Tài chính Dầu khí (10%) và Công ty Cổ phần Kinh doanh nguyên liệu dệt may Việt Nam (5%), Có vốn điều lệ là 160.000.000.000 đồng.
Công ty có nhiệm vụ: Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp Polyester; Quản lý công tác sản xuất, kinh doanh khi nhà máy đi vào vận hành; Sản xuất, kinh doanh xơ sợi tổng hợp polyester, các sản phẩm hoá chất khác và các dịch vụ kỹ thuật liên quan…
Triết lý kinh doanh của PVTEX luôn đề ra là thu lợi nhuận tối đa; không ngừng nâng cao lợi ích của các cổ đông; tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và tinh thần cho người lao động; phát triển công ty ngày càng lớn mạnh và đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Được biết, một trong dự án quan trọng của Công ty là đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp Polyester, dự án sản xuất xơ polyester đầu tiên của Việt Nam? Xin ông cho biết về dự án?
Xin khẳng định, đây là nhà máy đầu tiên và có quy mô lớn nhất của Việt Nam với công nghệ tiên tiến và hiện đại trong lĩnh vực sản xuất xơ sợi polyester từ nguyên liệu chính là PTA và MEG, các sản phẩm của ngành công nghiệp dầu lửa. Xơ sợi Polyester là nguyên liệu đầu vào quan trọng của ngành dệt may. Nhưng sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng 5-10% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu.
Dự án do PVTEX Đình Vũ làm chủ đầu tư, liên doanh giữa PetroVietnam và Vinatex. Được xây dựng trên diện tích 15 ha tại KCN Đình Vũ, tổng mức đầu tư hơn 324,85 triệu USD, công suất 500 tấn xơ sợi/ngày, tương đương 175.000 tấn/năm, thời gian xây dựng là 25 tháng.
Sự ra đời của nhà máy sẽ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu về xơ sợi tổng hợp hiện đang phải nhập khẩu. Trong đó, Vinatex sẽ tiêu thụ khoảng 60% sản lượng của nhà máy, góp phần tiết kiệm ngoại tệ, ổn định và tăng tính chủ động đối với nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may và sẽ xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Định hướng sản phẩm chính của nhà máy là sợi PSF (xơ mờ có độ mảnh 1.2d,1.3d và 1.4d với chiều dài 38mm để sử dụng kéo sợi, dệt vải) và DTY (sợi dún có độ mảnh 75d/36f, 75d/96f, 150d/36f, 150d/96f… cho dệt kim và dệt vải) có các đặc tính kỹ thuật chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, dải sản phẩm rộng so với các đối thủ thương mại khác trên thế giới. Sản phẩm của nhà máy ra đời sẽ tạo ra sự đa dạng hoá về sản phẩm của khâu sau trong ngành công nghiệp hoá dầu của Việt Nam và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cho nên, việc thực hiện triển khai dự án được PetroVietnam đánh giá là một trong 10 sự kiện nổi bật của toàn PetroVietnam trong năm 2009.
Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động, nhà máy tạo việc làm cho 650 lao động thường xuyên, doanh thu khoảng 300 triệu USD/năm, nộp thuế 2 triệu USD/năm; góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư và thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố Hải Phòng.
Tới thời điểm này, tiến độ của dự án như thế nào, thưa ông?
Với khẩu hiệu:”Vinh quang thuộc về người đúng hẹn” do Công đoàn PetroVietnam phát động, từ khi nhà máy khởi công xây dựng, chúng tôi luôn nỗ lực hết mình. Tính đến tháng 11, tiến độ tổng thể của dự án đạt đến 78%. Trên công trường luôn có khoảng 1.000 người làm việc, trong đó có 200 kỹ sư.
Nhà thầu EPC là liên doanh giữa Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí và Hyundai, LG… nỗ lực hết mình vì tiến độ và chất lượng công trình. Chúng tôi bám sát tiến độ từng ngày, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tốc độ xây dựng , lắp đặt. Với sự huy động tổng lực như vậy, dù dự án nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp polyester Đình Vũ là một dự án lớn, nhưng tốc độ xây dựng lại đạt nhanh nhất trên địa bàn.
Hầu hết hạng mục công trình vượt tiến độ. Cứ thử hình dung, toàn bộ công trình có tới 5.000 tấn thép cho phần kết cấu và khoảng 3.000-4.000 đầu thiết bị, mới thấy đạt được tiến độ như vậy là sự cố gắng cao độ của chủ đầu tư và nhà thầu.
Trong tháng 10 vừa qua, đội giám sát thiết kế Hàn Quốc cùng tổ hợp các chuyên gia công nghệ Hyundai Engernerring Cor đã thực hiện trình chiếu, kiểm tra bằng công nghệ 3D toàn bộ thiết kế, công nghệ sản xuất, vận hành nhà máy (3D review).
Phần 3D review hoàn thiện 90% toàn bộ nhà má, đã mô phỏng gần như hoàn chỉnh N3D review, một khâu vô cùng quan trọng trong quá trình thực hiện dự án. Đặc biệt, ngày 27/11/2010, các chuyên gia công nghệ của tổ hợp nhà thầu Huyndai Engernerring Corporation/Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam và chuyên gia giám sát, kỹ thuật của nhà bản quyền công nghệ Uhde – inventa fischer đã tiến hành lắp đặt hoàn tất thiết bị “Tháp phản ứng” (DISCAGE REACTOR).
Đây là thiết bị chính và quan trọng nhất thuộc hạng mục xây dựng, tổ hợp lắp đặt dây chuyền sản xuất cụm trùng ngưng nhà Polycondensation. Việc lắp đặt thiết bị “Tháp phản ứng” đánh dấu sự thành công trong giai đoạn 2 của công tác triển khai dự án. Những ngày cuối năm 2010 và đầu năm 2011 là thời gian cao điểm nhà máy vừa hoàn thành việc xây dựng và triển khai lắp đặt thiết bị, chúng tôi phấn đấu tháng 5-2011 sẽ chạy thử và tiến tới đưa vào hoạt động. (Tiếng Nói Việt Nam 14/12, tr15, Tác giả Thu Hương)