Điều hành giá xăng dầu đôi khi chưa phù hợp về thời điểm
Khẳng định việc điều hành giá xăng dầu của ngành tài chính luôn theo đúng các quy định, chủ trương của Chính phủ nhưng Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng thừa nhận các quyết định tăng giá đôi khi chưa hợp lý về mặt thời điểm.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ vừa có văn bản trả lời chất vấn của một số đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề bình ổn giá, trong đó, trọng tâm vẫn là câu chuyện giá xăng dầu. Hồi đáp thắc mắc của đại biểu Phan Vân Điền Phương (An Giang) và Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) về trách nhiệm của Bộ trong các quyết định điều chỉnh và không điều chỉnh giá xăng dầu thời gian qua, Bộ trưởng Huệ khẳng định ngành tài chính đã điều hành với nguyên tắc bao trùm là “cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước".
Theo Bộ trưởng, do phải nhập khẩu đến 70% tổng lượng tiêu thụ nên giá xăng dầu trong nước thời gian qua phụ thuộc rất lớn vào giá thế giới, đặc biệt trong 10 tháng đầu năm khi thị trường quốc tế biến động mạnh, chủ yếu theo chiều hướng tăng giá. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã cùng các cơ quan liên quan sử dụng các biện pháp như giảm thuế nhập khẩu (xăng, dầu diezel, dầu hỏa) về 0%, sử dụng quỹ bình ổn với mức trích tăng dần (riêng xăng tăng từ 550 đồng lên 1.650 đồng một lít).
Sau khi sử dụng hết các công cụ bình ổn giá nêu trên mà giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng, Chính phủ đã chấp thuận để các doanh nghiệp dầu đầu mối điều chỉnh 2 lần tăng giá xăng, dầu trong nước trong những tháng đầu năm (24/2 và 29/3). Sau những lần điều chỉnh này, giá bán lẻ trong nước ổn định được trong khoảng 5 tháng mặc dù giá thế giới vẫn tăng 5-6%. Đến cuối tháng 8, cơ quan điều hành quyết định giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước 300 - 500 đồng một lít, đồng thời giảm mức trích quỹ bình ổn. Giá dầu diezel và và dầu hỏa sau đó tiếp tục được điều chỉnh giảm 300 - 400 đồng một lít.
Đánh giá về các lần tăng giá bán lẻ xăng dầu, người đứng đầu Bộ Tài chính cho răng tỷ lệ điều chỉnh trong các lần hầu hết không lớn (từ 2 - 4% và nằm trong biên độ dưới 7% cho phép). Việc tăng giá này cũng được thực hiện đúng quy trình, đúng thẩm quyền… Tuy nhiên, Bộ trưởng Huệ cho rằng có những lần điều chỉnh giá chưa chú ý đúng mức tới thói quen, tập quán của người tiêu dùng (điều chỉnh giá vào ngày nghỉ, ngày lễ…).
Ví dụ tiêu biểu là đợt điều chỉnh vào ngày 8 Tết âm lịch năm Canh Dần - khi cán bộ, công nhân viên, học sinh và sinh viên trở lại làm việc, học tập… nên đã bị dư luận phản ứng và đánh giá là điều chỉnh giá xăng dầu “liên tiếp, dồn dập” gây tác động bất lợi đến tâm lý người tiêu dùng, ảnh hưởng đến mặt bằng giá thị trường…
Về biện pháp điều hành trong thời gian tới, đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ cùng Bộ Công Thương kiện toàn Quy chế hoạt động của Tổ giám sát giá xăng dầu, kiểm tra, công khai thông tin về kinh doanh của doanh nghiệp. Về lâu dài, Bộ sẽ rà soát các quy định về quản lý điều hành giá, về Quỹ Bình ổn… để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Riêng đối với chất vấn của đại biểu Huỳnh Nghĩa về việc với giá xăng dầu hiện nay thì các công ty kinh doanh xăng dầu có lãi hay lỗ? Có hay không hiện tượng "làm giá" giữa một nhóm nhỏ các doanh nghiệp độc quyền? Bộ Tài chính cho biết đang tổ chức 3 đoàn kiểm tra tình hình kinh doanh tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối và sẽ có báo cáo cụ thể trong thời gian tới.
Xung quanh chất vấn của một số đại biểu về việc bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp… Bộ Tài chính cho biết đã thực hiện các biện pháp như áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 0%, ưu đãi giá đầu vào đối với một số loại phân bón sản xuất trong nước (trong đó có phân đạm) như chưa tính đủ giá điện, giá than, giá khí... Ngoài ra, cơ quan điều hành cũng áp dụng quy định về đăng ký giá để kiểm soát việc điều chỉnh giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi, phân bón... Đồng thời, Bộ cũng trực tiếp chủ trì và phối hợp với các cơ quan khác tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động của doanh nghiệp để góp phần bình ổn giá. (VnEpress.vn 22/11, Mục Kinh doanh, Tác giả Nhật Minh)