Điện hạt nhân: Những bài toán không đơn giản
Có nhiều bài toán mà các quốc gia phải giải quyết cũng như những nguy cơ phải lường trước khi phát triển năng lượng hạt nhân.
Cùng với thời gian, điện hạt nhân đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của thế giới. Có thể nói trong sự thịnh vượng của các nước Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Anh... có phần đóng góp của năng lượng hạt nhân. Nhưng điện hạt nhân là một vấn đề phức tạp, không đơn giản như các nguồn điện năng khác, chẳng hạn thủy điện, nhiệt điện, phong điện.
Chính vì thế, việc phát triển loại năng lượng này đòi hỏi một chiến lược lâu dài với nhiều bài toán phải giải quyết.
Để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, người ta phải có khoản đầu tư ban đầu rất lớn, thường là nhiều tỉ USD. Có thể tham khảo một số hợp đồng xây dựng gần đây để hình dung rõ hơn đầu tư ban đầu cho một nhà máy.
Vào tháng 5.2008, để xây 2 lò phản ứng hạt nhân AP1000 (thế hệ 3+), Công ty điện - khí đốt Nam Carolina và Công ty Santee Cooper ở tiểu bang Nam Carolina của Mỹ ước tính chi phí là 9,8 tỉ USD, đã khấu trừ trượt giá theo dự báo. Tháng 11.2008, để xây hai lò AP1000, Công ty Duke Energy ở Bắc Carolina cho biết chi phí ước tính là 11 tỉ USD, chưa bao gồm khấu trừ trượt giá.
Vào tháng 4.2009, Công ty năng lượng Georgia đạt được hợp đồng xây hai lò phản ứng AP1000 với chi phí cuối cùng 14 tỉ USD, cộng thêm 3 tỉ USD cho các nâng cấp cần thiết sau này.
Theo tính toán của giới chuyên môn, thì trung bình, chi phí ban đầu cho một nhà máy điện hạt nhân cao gấp rưỡi, gấp đôi nhà máy thủy, nhiệt điện. Vì đây là khoản chi phí lớn nhất của nhà máy điện hạt nhân nên người ta phải tính toán rất kỹ để có thể đảm bảo được lợi ích lâu dài. Một trong những yếu tố có thể làm tăng chi phí xây dựng nhà máy hạt nhân đó là sự chậm trễ trong tiến độ thi công.
Theo Ủy ban An toàn năng lượng hạt nhân Canada, thời gian trung bình để hoàn tất một nhà máy điện hạt nhân hiện đại vào khoảng 4 năm, cụ thể là 60 tháng từ khi đặt hàng tới lúc vận hành một lò AP1000 của Công ty đa quốc gia Westinghouse Electric, 48 tháng kể từ khi động thổ tới lúc vận hành cho một lò EPR (thế hệ thứ 3) của châu Âu, và 45 tháng cho một lò ESBWR (3+) của General Electric (Mỹ).
Nếu tiến độ thi công bị chậm trễ, thiệt hại sẽ tăng lên, giá thành sản xuất điện cũng sẽ tăng lên, điện hạt nhân khi đó sẽ trở nên kém kinh tế.
Một khoản chi phí quan trọng khác là chi phí xử lý rác thải. Tất cả các nhà máy hạt nhân đều thải ra chất thải phóng xạ, thay vì rác thông thường hay các loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Bởi chất phóng xạ là đặc biệt nguy hiểm nên người ta cũng cần phải có biện pháp xử lý đặc biệt, tốn kém hơn nhiều lần việc xử lý rác thải thông thường.
Cuối cùng, sau khi nhà máy hết thời hạn hoạt động, người ta phải “khai tử” nó một cách đặc biệt. Tuổi thọ một nhà máy điện hạt nhân vào khoảng 40 tới 60 năm, có thể kéo dài thêm 20 năm nữa. Sau thời gian này, nhà máy phải được “cho về hưu” đúng cách để đảm bảo an toàn. Ủy ban Giám sát hạt nhân Mỹ ước tính để xử lý một nhà máy điện hạt nhân hết thời hạn, người ta cần khoản chi phí khoảng 300 triệu USD, thậm chí còn cao hơn nhiều.
Thế nên, ủy ban này đã kêu gọi các nhà máy đang vận hành nên để dành tiền để “lo hậu sự”.
Các khoản chi phí trên khiến việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trở nên rất đắt so với các loại nhà máy điện khác. Tuy nhiên, bù vào đó, nhiên liệu hạt nhân cần để vận hành các nhà máy thì lại không đòi hỏi nhiều tiền như các nguồn nhiêu liệu khác, chẳng hạn than đá hay dầu lửa.
Điều này cùng với tuổi thọ cao của nhà máy điện hạt nhân - tối đa 80 năm - đã giúp cho giá thành sản xuất điện nằm ở mức vừa phải. Một trong những lợi thế nữa của điện hạt nhân so với nhiệt điện là vấn đề khí thải. Theo sự nghiêm trọng gia tăng của hiện tượng biến đổi khí hậu, yêu cầu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngày một trở nên rất cấp thiết.
Nhiều nước đã gia tăng các khoản thuế và phí đánh vào những nhà máy thải khí, khiến chi phí sản xuất nhiệt điện tăng cao. Trong thời gian tới, người ta còn chờ đợi những biện pháp quyết liệt hơn trong vấn đề khí thải nên dự báo sẽ còn có nhiều khoản thuế nữa. Khi đó nhiệt điện trở nên đắt đỏ hơn, hay nói cách khác, giá điện hạt nhân sẽ còn cạnh tranh hơn nữa.
Nhiều người thường đề cập tới việc cấp thiết phải phát triển điện hạt nhân như một biện pháp để tăng cường an ninh năng lượng, tức sự đảm bảo chủ động về năng lượng của quốc gia. Điều này cần phải được xem xét từ nhiều góc độ.
Trong quá khứ, nhiều tai nạn đã xảy ra tại các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, dù đó là nhà máy hiện đại nhất ở quốc gia phát triển nhất. Mỗi tai nạn có một nguyên nhân khác nhau, có nơi do khâu vận hành, có nơi do khâu thiết kế, và có khi chỉ là tai nạn bất khả kháng.
Đó cũng chính là lý do cơ bản khiến nhiều nước từ chối nguồn năng lượng này. Úc không phát triển năng lượng hạt nhân, dù nước này có nguồn uranium rất dồi dào. Đan Mạch cương quyết đoạn tuyệt điện hạt nhân. Đức dự tính đến năm 2020 sẽ khai tử ngành điện hạt nhân dân sự.
Điện hạt nhân tiềm ẩn những nguy cơ rất đặc thù, mà các vụ tai nạn ở Liên Xô, Nhật Bản, Mỹ... trước đây đã cho thấy điều đó. Thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Liên Xô vào năm 1986 sẽ tiếp tục gây hại cả trăm năm nữa, có tính toán nói là khoảng 200 năm. Nhưng nhiệt điện cũng có hại. Nhiệt điện tạo ra khí thải ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người, tạo khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến trái đất ấm lên, làm nước biển dâng cao, đất đai canh tác và nơi ở của con người bị đe dọa, thậm chí nhiều quốc gia có thể biến mất.
Các nguồn năng lượng sạch thì chứa chấp ít nguy cơ, nhưng hiện tại chưa đủ sức đảm đương việc gánh vác nhu cầu năng lượng của nhân loại. Về mặt an toàn, thật khó để so sánh loại nào hơn loại nào vì rủi ro của mỗi ngành có đặc thù rất riêng.
Một trong những vấn đề nữa cần được xem xét đó là việc bảo vệ cho các nhà máy điện hạt nhân trước nguy cơ chiến tranh và nguy cơ tấn công khủng bố, cũng như bảo vệ nguồn phóng xạ, dù chỉ là rác thải phóng xạ, khỏi tay kẻ xấu.
Đó là điều đặc biệt quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, khái niệm “bom bẩn” - tức các loại bom chứa chất phóng xạ nguy hiểm nhưng chưa đến cấp độ vũ khí hạt nhân - được giới chức an ninh thế giới đặc biệt quan tâm.
Một điểm nữa cần lưu ý, đó là điện hạt nhân có thể giúp gia tăng tính độc lập về năng lượng của một quốc gia, xét theo góc độ nâng cao khả năng sản xuất điện, nâng cao nguồn cung năng lượng của quốc gia đó. Tuy nhiên, mặt khác, do điện hạt nhân hiện là “hàng độc quyền” của một số rất ít nước, nên một khi đã quyết định chọn công nghệ của nước nào, thì dù ít dù nhiều, chủ đầu tư cũng bị phụ thuộc vào nhà cung cấp của mình. An ninh mà chưa chắc đã an toàn là chỗ đó. (Thanh Niên 29/11)