Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể Sông Hồng”: Rất khả quan
“Kết quả điều tra, đánh giá giai đoạn 1 của Đề án với lỗ khoan 102- SH khoan sâu hơn 500m đã phát hiện tầng than đầu tiên tuy mỏng, nhưng có chất lượng tốt, nếu khoan sâu trên 1000 m chắc chắn sẽ cho kết quả khả quan hơn” - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho biết tại buổi làm việc giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường về Đề án điều tra đánh giá tổng thể tiềm năng bể than Sông Hồng, ngày 5/11.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Đây là đề án quan trọng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, “rất trúng” và phù hợp với Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm có các kết quả cụ thể để có hướng mới, đề xuất được nhiệm vụ tiếp theo một cách khả thi, có chiến lược tổng thể với tài nguyên than Bể than Sông Hồng. Ông bày tỏ niềm tin vào sự và thành công của Đề án với một đội ngũ cán bộ quản lý, thi công có trình độ và kinh nghiệm, được đầu tư các thiết bị khoan sâu, máy địa vật lý,phân tích mẫu hiện đại…để điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên quốc gia.
Ông Trần Văn Miến, Vụ trưởng Vụ Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và khoáng sản cho biết: Đề án do Tổng cục Địa chất và khoáng sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị: Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản, Trung tâm Quy hoạch & Điều tra tài nguyên nước. Xác định đây là đề án quan trọng, khối lượng lớn, tính chuyên sâu cao, Tổng cục đã mời Tập đoàn Dầu khí (PVN) Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) cử cán bộ kỹ thuật tham gia thực hiên; đồng thời bổ nhiệm Chủ nhiệm Đề án, thành lập Ban Cố vấn đề án gồm các chuyên gia địa chất có kinh nghiệm thuộc Tổng hội Địa chất, Tập đoàn TKV, PVN; thành lập Ban Xây dựng Đề án với 27 thành viên ở các đơn vị trực thuộc Tổng cục, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn PVN, TKV. Đã tiến hành thu thập, tham khảo tài liệu tại Trung tâm Thông tin Lưu trữ Địa chất, Trung tâm thông tin lưu trữ Dầu khí, Viện Dầu khí, Tập đoàn TKV, các tài liệu giếng khoan đã thực hiện trên miền võng những năm trước gồm hàng trăm lỗ khoan, xem xét mẫu lõi khoan…, tiến hành khảo sát thực địa tại Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định. Quá trình lập Đề án, Tổng cục đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến các Bộ, ngành, các chuyên gia Địa chất, sau khi hoàn thành, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326/ QĐ/TTG ngày 20/3/2012.
Kết quả nghiên cứu mô hình hóa trường sóng địa chấn cho khu vực miền võng Hà Nội và phân tích tổng họp tài liệu địa chấn đã xử lý lại (bao gồm tài liệu địa vật lý, giếng khoan, đặc biệt là kết quả phân tích địa chấn của 2996 km tuyến địa chấn, đã dự báo được sự tồn tại của các tập chứa than có trong vùng nghiển cứu.
Công tác thi công năm 2013, đã xử lý phân tích tổng hợp tài liệu trọng lực và telua, đảm bảo kế hoạch tiến độ; đo địa chấn phản xạ 2D theo tuyến trên mặt, đang tiến hành xử lý kết quả đo tại văn phòng. Công tác do karota lỗ khoan đã thực hiện được 400 m. Năm 2013, thực hiện khoan 2 lỗ khoan tại huyện Tiền Hải -Thái Bình; (Lỗ khoan 102- SH dự kiến khoan 1050 m, Lỗ khoan 104-SH dự kiến khoan 1070 m). Lỗ khoan 102-SH đã khoan sâu 536,6 m, gặp vỉa than đầu tiên từ độ sâu 535,5 m, hiện đang khoan trong than. Lỗ khoan 104-SH đang thi công nền. Đề án sẽ hoàn thành vào năm 2015. (Monre.gov.vn 5/11, mục tin tức – sự kiện, tác giả Thu Nga; Tài Nguyên và Môi Trường 7/11, tr4)