PV GAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Đằng sau các cuộc chuyển dịch CEO bảo hiểm

Không nóng như lĩnh vực chứng khoán hay ngân hàng, nhưng bất kỳ diễn biến nào liên quan đến dàn nhân sự cấp cao trong lĩnh vực bảo hiểm thời tái cấu trúc cũng gây sự chú ý lớn.
Đi, ở, thăng chức
Sau hơn 1 năm rời Tập đoàn Bảo Việt (BVH) về giữ chức Phó tổng giám đốc thường trực cho Công ty Cổ phần PVI, ông Phạm Khắc Dũng chuẩn bị đảm nhận thêm vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Bảo hiểm nhân thọ PVI Sunlife (do PVI nắm 51% vốn).
Không chỉ đến bây giờ, khi đã mở rộng hoạt động sang lĩnh vực nhân thọ, mà ngay sau khi chuyển đổi mô hình thành công ty mẹ - con (hồi tháng 7 năm ngoái), PVI được dự báo sẽ lấy đi một số nhân sự cấp cao của các doanh nghiệp bảo hiểm khác. PVI đã cho ra đời hai công ty con (do PVI nắm 100% vốn) là Tổng công ty Bảo hiểm PVI (hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ) và Công ty Tái bảo hiểm PVI.
Được biết, ông Dũng từng gắn bó nhiều năm với BVH và nắm giữ vị trí quản lý cấp cao trong Tập đoàn (Giám đốc Khối Quản lý hoạt động). Ông Dũng được mời về PVI với vai trò chính là cùng Hội đồng quản trị, Ban điều hành chuẩn bị cho việc triển khai công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp cũng như phát triển thương hiệu PVI.
Còn ông Lê Hoài Nam, sau 17 năm gắn bó với Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare) đã từ bỏ vị trí Phó tổng giám đốc điều hành, phụ trách Ban Kỹ thuật và Năng lượng của Vinare để về làm Tổng giám đốc Công ty Tái bảo hiểm PVI (ông Nam bắt đầu sự nghiệp làm tái bảo hiểm vào năm 1994 tại Vinare).
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVI chia sẻ, với uy tín và tiềm lực về tài chính, PVI sẽ là điểm đến của nhiều nhân sự có chất lượng cao, phục vụ cho công tác tái cấu trúc, lập mới các công ty con độc lập. PVI sẽ quốc tế hóa chính mình bằng đội ngũ nhân sự và hệ thống quản trị chuyên nghiệp. Với việc hoàn thiện các công ty con trong lộ trình tái cấu trúc, năm 2012 và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục hoàn thiện đội ngũ nhân sự chủ chốt để đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Với các doanh nghiệp bảo hiểm trực thuộc ngân hàng, việc thay đổi nhân sự cấp cao chịu sự quản lý thêm bởi ngân hàng mẹ. Ông Tôn Lâm Tùng, dưới sự chấp thuận của Ngân hàng BIDV, sau một thời gian nắm giữ vị trí quyền Tổng giám đốc đã chính thức làm Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC).
… và những “lình xình”
Sự kiện gây bất ngờ thị trường bảo hiểm hồi tháng 5/2012 đó là quyết định miễn nhiệm ông Đỗ Văn Hải, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI), sau nhiều lần bị khiếu kiện, tố cáo kéo dài. Trong đó, đáng chú ý là ông Hải bị chính nhân viên dưới quyền khiến kiện, chỉ trích về những lạm dụng trong quá trình chỉ đạo điều hành VNI. Đây được coi là hiện tượng hy hữu trên thị trường bảo hiểm, bởi lâu nay, với lượng cổ đông nội bộ là nhà nước chiếm đa số, công tác điều hành tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được “bọc lót” cho nhau khá tốt. VNI có các cổ đông lớn như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Lắp máy, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam.
Sau rắc rối nêu trên, Hội đồng quản trị VNI thừa nhận, đội ngũ nhân sự chủ chốt chưa được lựa chọn kỹ lưỡng, lại thường xuyên biến động, khiến hoạt động của doanh nghiệp kém ổn định. Tháng 9 tới, ông Vũ Tuấn Phan, Phó tổng giám đốc VNI kết thúc thời gian bổ nhiệm tạm thời (ông Phan được bổ nhiệm trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày 15/5/2012, thay thế ông Hải).
Đại diện Hội đồng quản trị VNI cho biết, trong công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp, ngoài cơ cấu mạng lưới, VNI sẽ cơ cấu lại nhân sự chủ chốt nhằm đưa Công ty tiếp tục phát triển tốt hơn và không phát sinh các vấn đề tương tự.
Một trường hợp không gây đình đám, nhưng cho thấy bất ổn ở đội ngũ ban điều hành là tại Công ty Cổ phầnBảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC), khi nhóm cổ đông phủ quyết hầu hết các nội dung quan trọng, trong đó có cả báo cáo tài chính đã kiểm toán tại Đại hội cổ đôngSVIC hồi tháng 5/2012 và giờ vẫn chưa tổ chức lại đại hội. Cụ thể, tại đại hội, nhóm cổ đông đề nghị làm rõ các khoản mà SVIC đã đầu tư, do hoạt động đầu tư năm 2011 của Công ty chưa rõ ràng, chưa có báo cáo đánh giá kết quả đầu tư năm 2011. Theo nhóm cổ đông này, danh mục đầu tư của SVIC có nhiều khoản rủi ro cao như đầu tư vào trái phiếu không có bảo lãnh, đầu tư vào một số công ty tài chính kém hiệu quả. Trong khi đó, SVIC chưa thực hiện theo quy chế đầu tư tài chính, phân cấp đầu tư của Hội đồng quản trị Do đó, có ý kiến nhận định, trong công cuộc tái cấu trúc SVIC sắp tới, nhiều khả năng sẽ có cả việc cơ cấu lại đội ngũ Ban điều hành theo ý của cổ đông nắm quyền chi phối. (Đầu Tư Chứng Khoán 30/7, tr29, tác giả Diệu Minh)

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên