Đạm Phú Mỹ trong vòng xoáy thị phần
Kết quả kinh doanh của Đạm Phú Mỹ chắc không làm vui lòng các nhà đầu tư. Nhưng chưa chắc đã có làn sóng nói lời tạm biệt với cổ phiếu này.
Trong lĩnh vực phân ure, hiện tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – Đạm Phú Mỹ (DPM) là một trong 2 doanh nghiệp lớn nhất nước ta tính trên cống suất thiết kế đạt 800.000 tấn/năm. Tuy nhiên, trong năm 2013, doanh thu của DPM đang có dấu hiệu sụt giảm. Và nỗi e ngại, đã qua rồi “mùa bội thu” không phải là không có cơ sở.
Người hùng sa cơ?
Thực ra, sự giảm sút của DPM đã được dự báo trước. Kể từ khi nhà máy Đạm Cà Mau tách ra khỏi DPM hồi tháng 11/2012, có thực tế khá bi hài diễn ra. Đạm Cà Mau trở thành “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp với DPM, bởi có cùng loại sản phẩm và công suất thì tương đương. Nhưng có một thứ Đạm Cà Mau lại lấn lướt hơn, đó là lợi thế địa lý khi nằm ngay ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Và vì vậy việc sụt giảm 43,6% doanh thu trong quý 3 vừa qua của DPM so với cùng ký năm trước liệu có phải là tín hiệu báo trước mùa canh tác không mấy bội thu của DPM trong năm?
Thực tế, bên cạnh việc DPM không còn bao tiêu sản phẩm của Đạm Cà Mau, việc giảm doanh thu của DPM còn đến từ sự sụt giảm của giá đạm ure, vốn là điều mà nhiều doanh nghiệp cùng ngành đnag gặp phải.
Theo chuyên Viên Lý Hoàng Anh Thi, Bộ phận nghiên cứu phân tích của Công ty chứng khoán VCBS, doanh thu quý 3 của DPM sụt giảm cũng do nhu cầu phân bón đang giảm bởi yếu tố thời vụ. Thêm nữa sự đổ bộ của phân bón nhập khẩu càng khiến sức ép cạnh tranh trên thị trường này tăng lên.
Nhưng khó lòng thất thế
Tuy nhiên, với DPM nói riêng và các doanh nghiệp nội địa ngành phân bón nói chung, phía trước không phải chỉ màu xám. Bản thân DPM đang sở hữu rất nhiều lợi thế. 10 năm trong ngành phân bón và ở một quy mô sản xuất lớn, năng lực vốn tương đương, DPM đã xây dựng được cho mình vị thế của một nhà cung cấp có doanh thu từ phân ure chiếm tới 95% doanh thu sản phẩm trong nước. Còn tính về thị phần trên cả nước, DPM hiện đang chiếm khoảng 50%.
Ở góc độ tài chính DPM cũng đang là doanh nghiệp có tỷ lệ tài sản đảm bảo nợ/ vốn chủ sở hữu rất thấp. Tỷ lệ nợ vay cũng rất thếp. So với tỷ lệ nợ vay của một số doanh nghiệp niêm yết cùng ngành khác thì khả năng thanh toán và tình trạng tài chính của DPM vẫn rất ổn.
Đầu tư quốc tế, ai thắng ai?
Một khi cơ hội ở thị trường nội địa không còn dồi dào, đầu tư ra nước ngoài là hướng mà các doanh nghiệp ngành phân bón tính tới. Hiện các thị trường như Trung Quốc, Campuchia thậm chí một số thị trường xa hơn như Úc đều được doanh nghiệp Việt Nam như DPM, Đạm Cà Mau, Phân Bón Năm Sao… hiện diện. Phải nói rằng, DPM đã luôn tiên phong đầu tư khai phá mở rộng thị trường ra ngoài lãnh thổ. Tuy nhiên mức độ thâm nhập thị trường lân cận của doanh nghiệp ngành phân bón hiện vẫn chưa mang lại hiệu quả cao.
Thông tin mới nhất đầu tháng 12/2013, Phòng Thương mại và công nghiệp Campuchia đang đề xuất kế hoạch nhập khẩu phân bón của DPM và Đạm Cà Mau. Một lần nữa, DPM lại đang ở thế cạnh tranh trực tiếp với người em sinh sau đẻ muộn – Đạm Cà Mau. DPM có thể thắng Đạm Cà Mau hay không? Giới chuyên muoond dánh giá, ở thị trường này, cả Đạm Cà Mau lẫn Phân bón Năm Sao đều khó qua mặt DPM.
Vẫn còn sớm để trả lời câu hỏi liệu 2014 DPM có tiếp tục giữ được miếng bánh thị phần và tiếp tục cho các nhà đầu tư “mùa bội thu” như điều mà DPM đã làm được trong suốt nhiều năm qua. (Tạp chí Doanh Nhân số ra 146 ngày 10/12, tr38+39, tác giả Trung Nhật)