Đã có cơ hội giảm giá xăng dầu
Giá xăng dầu trên thị trường thế giới thời gian vừa qua tiếp tục xu hướng đi xuống, khiến doanh nghiệp đang có lãi lớn. Các chuyên gia cho rằng cần sớm có điều chỉnh các quy định về chu kỳ để việc tăng giảm giá xăng dầu linh hoạt hơn, người tiêu dùng không phải “mỏi cổ” chờ đợi mỗi khi có cơ hội giảm giá.
Doanh nghiệp đang lãi lớn
Theo thông tin từ Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tính đến ngày 4-6 giá xăng A92 trên thị trường Singapore - thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam đã về mốc 104,91 USD/thùng. Như vậy, nếu so với thời điểm cuối tháng 5 giá xăng thế giới đã giảm 8%, trong khi đó giá xăng trong nước qua hai lần điều chỉnh giảm mới chỉ hạ thêm 1.100 đồng/lít (tức giảm khoảng 5%).
Giao dịch tại thị trường Singapore ngày 4-6 cũng cho thấy, giá các mặt hàng dầu cũng tiếp tục đi xuống, dầu diezel 0,05S có giá 111,19 USD/thùng, dầu hỏa có giá 109,91 USD/thùng và dầu mazut 592,88 USD/tấn. Các mức giá trên là mức giá thấp nhất kể từ 8-2 đến nay.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu lấy giá cơ sở là giá nhập khẩu tại thị trường Singapore trong ngày 4-6 thì các doanh nghiệp đang có mức lãi lớn. Cụ thể, xăng A92 có mức lãi gần 2.300 đồng/lít, dầu diezel là 2.350 đồng/lít, dầu hỏa khoảng 2.100 đồng/lít và dầu mazut có thể lãi 2.053 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo Nghị định 84 việc tính giá cơ sở phải theo mức bình quân 30 ngày gần nhất để làm căn cứ điều chỉnh giá. Nếu tính theo cách này các doanh nghiệp vẫn đang có lãi, đối với xăng mức lãi là 1.138 đồng/lít, dầu diezel lãi là 1.114 đồng/lít và dầu hỏa lãi trên 954 đồng/lít. Các mức lãi trên cũng đã được tính bao gồm cả mức thuế nhập khẩu 4% đối với xăng, 3% đối với diezel, 5% đối với dầu mazut, dầu hỏa và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp là 300 đồng/lít.
Càng quan tâm càng ấm ức
Trước đây mỗi lần tăng, giảm giá xăng luôn thu hút sự quan tâm đông đảo của người dân. Trước giờ tăng giá, những cây xăng luôn chật kín người mong kịp chen chân đổ đầy bình trước khi niêm yết mức giá mới. Nhưng những hình ảnh đó dường như đã biến mất và chỉ còn lại sự thờ ơ của người tiêu dùng. Lý giải cho sự thờ ơ này, anh Mạnh Tùng (Quận Thanh Xuân - Hà Nội) cho rằng: “Số lần tăng giá nhiều quá nên có cố đổ đầy bình cũng chẳng ăn thua gì, trong khi giảm thì lại chẳng thấm vào đâu. Càng quan tâm thì càng thấy lợi ích của người tiêu dùng bị coi thường. Để ý nhiều chỉ thêm ấm ức, nên thôi cứ coi như không phải chuyện của mình cho dễ chịu”.
Một chuyên gia chỉ rõ, theo Thông tư số 234/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 84 thì lấy cơ sở điều chỉnh giá là 30 ngày, trong khi ở Nghị định đã nêu rõ chu kỳ điều chỉnh giá tối thiểu là 10 ngày dự trữ lưu thông. Như vậy để xem xét việc điều chỉnh có đúng hay không thì người tiêu dùng phải nhìn vào quy định nào?
Nhìn lại thời điểm điều chỉnh tăng giá xăng từ 10-3 đến 20-4, trong vòng 40 ngày giá xăng đã được điều chỉnh tới 2 lần, chu kỳ điều chỉnh nếu tính theo 30 ngày không được đảm bảo. Thêm một ví dụ nữa là việc giảm 500 đồng/lít xăng sau khi tăng 900 đồng trước đó chỉ trong vòng 19 ngày thì “chu kỳ 30 ngày” sẽ không thể là lý giải phù hợp. “Như vậy rõ ràng việc điều chỉnh đã và đang được các doanh nghiệp, cơ quan chức năng thực hiện theo quy định tại Nghị định 84. Do đó, nếu trong chu kỳ 10 ngày có đủ điều kiện giảm giá thì phải điều chỉnh giảm ngay nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay” - chuyên gia này nhấn mạnh.
Nói về chu kỳ điều chỉnh giá, các chuyên gia cũng cho rằng nên có sự linh hoạt hơn nữa. Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng: “Việc điều chỉnh giá xăng dầu vẫn chưa có sự linh hoạt, vì thời gian điều chỉnh là quá chậm. Nên rút thời gian điều chỉnh xuống còn 7 đến 10 ngày”. Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Khoa học nghiên cứu thị trường giá cả cũng có cùng quan điểm: “Dù không thể giảm giá xăng dầu trong nước tương ứng với mức giảm của thế giới nhưng tốt nhất khi giá xăng thế giới biến động từ 2-3 ngày hoặc nhiều lắm 1 tuần thì giá trong nước cần điều chỉnh ngay và lấy mốc ngày sau đó để tính lùi về”.
Nhìn vào Nghị định 84, không khó để thấy việc doanh nghiệp được tự chủ hơn trong việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, từ thời điểm nghị định ra đời tới nay, người tiêu dùng chỉ thấy việc các doanh nghiệp đề nghị tăng giá chứ chưa thấy doanh nghiệp nào đề nghị giảm giá. Theo các chuyên gia, đây cũng là một việc đáng lưu ý để bổ sung vào các quy định giảm giá trong trường hợp giá thế giới giảm. Bởi doanh nghiệp kinh doanh càng trì hoãn việc giảm thì sẽ càng thu lợi, như vậy sẽ khó có thể đòi hỏi sự tự giác, tự nguyện.
Điều hành giá xăng dầu kém linh hoạt
Ngày 6-6, ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, cách điều hành giá xăng dầu thời gian qua còn kém linh hoạt và chậm chạp. Ngoài ra, cơ quan quản lý còn thiếu những đối thoại, công khai một cách rõ ràng, chi tiết cho người dân. Ông nói: “Nên rút ngắn thời gian điều chỉnh giá, khoảng 1 tuần đến 10 ngày là hợp lý. Không chỉ giá xăng mà với tất cả các mặt hàng do Nhà nước quản lý, người tiêu dùng luôn đòi hỏi sự minh bạch. Khi người tiêu dùng hiểu rõ mới có sự đồng thuận.”
Cũng theo ông Trần Hoàng Ngân, hiện tượng giá xăng dầu thế giới hiện nay giảm không phải là một niềm vui mà đây là báo hiệu của một sự suy thoái kép có thể xảy ra đối với thế giới. “Với chúng ta, khi điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, giá xăng dầu thế giới giảm thì chắc chắn Bộ Tài chính không có lý do gì mà không giảm” - ông Trần Hoàng Ngân phân tích. (An Ninh Thủ Đô 7/6, tr4, tác giả Phương Mai
Hùng Anh)